Đối tượng bỏ thuốc sâu vào thức ăn của học sinh ở Sơn La: Có thể xử lý về tội giết người kể cả trường hợp nạn nhân không chết ?
Chiều 26/9, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Sơn La cho biết, Công an huyện Mai Sơn vừa ra quyết định tạm giữ hình sự đối với H.T.T. (trú tại huyện Mai Sơn) là nhân viên bếp ăn của Trường THPT Chu Văn Thịnh (xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), về hành vi gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Quyết định tạm giữ hình sự đối với H.T.T. đã được VKSND cùng cấp phê chuẩn.
Vị lãnh đạo VKSND tỉnh Sơn La cho biết thêm, bà T. là vợ của nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn Thịnh (nay đã chuyển trường khác). Ngoài ra, cơ quan công an cũng đang trưng cầu giám định mẫu thức ăn nghi bị bỏ độc, để tiếp tục làm rõ vụ việc.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chu Văn Thịnh thông tin, nhà trường có trên 1.200 học sinh. Trong đó, có hơn 400 học sinh ăn bán trú tại trường.
|
Trường THPT Chu Văn Thịnh - nơi vụ việc xảy ra |
Bình luận về vụ việc này Tiến sĩ. Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Thông tin về sự việc này không khỏi gây hoang mang lo lắng cho các phụ huynh trong trường học này và cho cộng đồng xã hội, bởi vậy việc cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý với đối tượng này là rất cần thiết.
Với kết quả xác minh ban đầu như vậy cho thấy hành vi của người phụ nữ này là rất nguy hiểm, táng tận lương tâm, động cơ đê hèn và có thể làm chết nhiều người. Bởi vậy, việc cơ quan điều tra giữ người trong trường hợp khẩn cấp là có căn cứ, cần thiết và đúng pháp luật.
Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng cho biết Công an huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) thông tin đã ra lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Hà Thị Thi (SN 1984, trú xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn), nhân viên bếp ăn của trường THPT Chu Văn Thịnh để điều tra về hành vi gây tổn hại cho sức khoẻ người khác.
Trước đó, khoảng 10h30 ngày 22/9 tại Trường THPT Chu Văn Thịnh, trong khi chia khẩu phần ăn cho học sinh bán trú tại bếp ăn thì nhân viên phục vụ nhà trường phát hiện chậu su su luộc có mùi lạ (mùi thuốc sâu).
Ngay lập tức, nhà trường đã dừng việc chia khẩu phần ăn món su su luộc cho học sinh. Đồng thời đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra. May mắn, các em học sinh chưa ăn nên không ai bị ảnh hưởng đến sức khỏe.
Công an huyện Mai Sơn đã tiến hành điều tra xác minh, xác định bà Hà Thị Thi nghi sử dụng một lượng nhỏ chế phẩm diệt kiến, gián và thuốc trừ sâu cho vào chậu su su.
Hành vi của đối tượng như vậy là rất nguy hiểm, rất may mắn là các cháu học sinh chưa ăn phải lên chưa gây ra hậu quả thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của học sinh, tuy nhiên hành vi này là rất vô nhân đạo, gây ra lo lắng hoang mang cho các phụ huynh, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của học sinh và các thầy cô giáo. Bởi vậy cơ quan điều tra cần làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu thức ăn đi giám định để xác định chất độc có trong thức ăn là loại chất gì ? tính chất nguy hiểm đến đâu ? nếu ăn phải thức ăn như vậy thì có thể chết người hay không ? Sẽ làm rõ nhận thức của đối tượng này về hành vi bỏ thuốc sâu vào thức ăn của học sinh ? sẽ làm rõ hành vi của đối tượng gây án, làm rõ động cơ mục đích của đối tượng này khi bỏ thuốc độc vào thức ăn của học sinh ? Kết quả xác minh sẽ xác định được tính chất nguy hiểm của hành vi, làm cơ sở để buộc tội đối với đối tượng này theo quy định của pháp luật.
Ts. Ls. Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp
Trong trường hợp kết quả điều tra cho thấy lượng thuốc độc đó có thể làm chết người, đối tượng thực hiện hành vi bỏ thuốc độc vào thức ăn nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra thì hành vi phạm mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội giết người được quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự với nhiều tình tiết định khung, tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như hành vi có thể làm chết từ 02 người trở lên, thực hiện hành vi có tính chất đê hèn... Trong trường hợp này đối tượng sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Trường hợp chưa gây ra hậu quả chết người thì hình phạt cao nhất có thể tới 20 năm tù.
Để buộc tội đối tượng này về tội giết người thì cơ quan điều tra cần thực hiện các hoạt động tố tụng để xác định hành vi phạm tội, xác định tính chất nguy hiểm của hành vi, xác định nhận thức của đối tượng gây án và hậu quả có thể xảy ra đối với xã hội để xử lý theo quy định của pháp luật.
Một người bình thường sẽ nhận thức được rằng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ là những loại thuốc độc, thậm chí là kịch độc, chỉ cần một lượng nhỏ đưa vào thức ăn mà con người ăn phải là có thể tử vong. Nếu biết được tính chất nguy hiểm của hành vi như vậy nhưng đối tượng vẫn cố ý thực hiện hành vi, mong muốn dẫn đến hậu quả chết người (để trả thù, để gây ảnh hưởng đến uy tín của cơ sở giáo dục hoặc vì động cơ đê hèn, ích kỷ nào khác) thì hành vi này là hành vi giết người, kể cả trường hợp nạn nhân chưa chết, đối tượng sẽ bị xử lý về tội giết người theo Điều 123 BLHS.
Về mặt lý luận thì hành vi xâm phạm đến tính mạng hoặc đe dọa xâm phạm đến tính mạng của người khác là hành vi nguy hiểm cho xã hội, hành vi xâm phạm đến quyền sống của công dân. Bởi vậy pháp luật quy định tội giết người có cấu thành hình thức, chỉ cần hành vi với lỗi cố ý, có thể tước đoạt tính mạng của người khác và đối tượng thực hiện hành vi có thể bị xử lý về tội giết người mà không phụ thuộc vào việc nạn nhân đã tử vong hay chưa.
Trong vụ việc này, cơ quan điều tra chỉ cần chứng minh hành vi có thể dẫn đến chết người, đối tượng nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, có thể dẫn đến nạn nhân tử vong nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi là có thể xử lý về tội giết người mà không phụ thuộc vào hậu quả chết người đã xảy ra hay chưa.
Điều đáng chú ý trong vụ việc này là đối tượng là người có trách nhiệm phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trách nhiệm phục vụ bữa ăn cho học sinh những đối tượng đã lợi dụng nghề nghiệp của mình, vi phạm đạo đức nghề nghiệp để thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, trường hợp bị kết tội thì đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự có thể áp dụng đối với đối tượng này.
Ngoài ra, thông tin bước đầu của cơ quan chức năng xác định, đối tượng này là vợ của hiệu trưởng cũ của trường này, đây có thể là nguyên nhân động cơ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, có thể là một sự trả thù hoặc cố ý làm mất uy tín của ban lãnh đạo mới. Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ làm rõ để đánh giá tính chất của vụ án, xác định nguyên nhân động cơ sự việc để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm.
Thực tế cho thấy đối với những vụ án mà đối tượng phạm tội thực hiện hành vi nguy hiểm như bỏ thuốc sâu, thuốc độc vào thức ăn của người khác là những vụ án gây bức xúc, hoang mang trong dư luận xã hội, đối tượng thực hiện hành vi có thể làm chết nhiều người, động cơ đê hèn, thủ đoạn tàn nhẫn nên sẽ bị trừng trị bởi chế tài nghiêm khắc của pháp luật. Việc xử lý đối với các đối tượng thực hiện hành vi giết người hàng loạt hoặc có thể làm chết nhiều người sẽ rất nghiêm minh phải nghiêm trị mục đích để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
Vụ án lại một lần nữa cho thấy nguy cơ mất an toàn trong môi trường trường học, đối với các đối tượng là học sinh. Bởi vậy, các cơ sở giáo dục cần quan tâm hơn nữa việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của học sinh khi ăn bán trú ở nhà trường để tránh những vụ việc hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Với những cán bộ, công nhân viên hoặc những cơ sở cung cấp thực phẩm không đủ uy tín, có biểu hiện tâm lý bất thường hoặc đạo đức nhân cách không phù hợp thì cũng không sử dụng để phục vụ bữa ăn cho học sinh và các thầy cô giáo.