Logo

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP

Để chó chạy rông nơi công cộng, chủ vật nuôi hành hung người khác sẽ bị xử lý thế nào?
07/03/2023
icon-zalo
Những ngày qua, dư luận bức xúc trước sự việc người đàn ông bị chủ chó hành hung gây thương tích vì cản con chó không rọ mõm, thả rông tại sảnh chung cư... Nhiều người đặt câu hỏi hành vi đánh người gây thương tích; Thả chó không rọ mõm chạy rông nơi công cộng sẽ bị xử lý thế nào?

Vì chó mà hành hung gây thương tích cho người khác
 
Ngày 6/2/2023, Công an phường Phú Thuận đang phối hợp cùng Công an quận 7, TP Hồ Chí Minh điều tra, xử lý nam thanh niên để chó chạy rông nơi công cộng, sau đó, người này còn tấn công gây thương tích cho người khác tại chung cư Q7 Saigon Riverside.
 
Trước đó, tối 2/2, anh Nguyễn Hoàng D (sinh năm 1989, ngụ quận 7) dẫn con trai đi vào sảnh chờ thang máy ở chung cư Q7 Saigon Riverside ở đường Đào Trí, phường Phú Thuận, quận 7, TP Hồ Chí Minh. Lúc này, con chó của Đ.T.V (sinh năm 1995) không rọ mõm liên tục tiến gần tới chỗ con trai anh D.
 
 
Camera ở chung cư ghi lại hình ảnh sự việc anh D bị chủ chó hành hung (ảnh cắt từ clip)
 
Anh D nhắc nhở V về việc trên nhưng người này thờ ơ. Do lo sợ con trai bị chó cắn nên anh D dùng chân đẩy con chó ra xa. Bất ngờ, V xông tới dùng tay đánh vào mặt anh D khiến anh này ngã xuống đất.
 
Sau đó, V còn lớn tiếng đe doạ anh D rồi mới rời đi. Sau khi bị hành hung, anh D đã đến Công an phường Phú Thuận, quận 7 trình báo sự việc rồi đến Bệnh viện Pháp Việt để điều trị thương tích.
 
Các bác sĩ chẩn đoán anh D bị sưng bầm vùng gò má trái, trầy xước gò má trái, rách mí mắt trái và phải khâu 5 mũi, vỡ mảnh răng cửa hàm dưới trái, ngực trái có vết sưng.
 
Đồng thời, anh D gửi đơn đề nghị Công an quận 7 giám định thương tích, khởi tố người hành hung mình. Anh D chia sẻ: “Tôi bị đau ngoài cơ thể nhưng con trai tôi chứng kiến cảnh bố bị đánh nên rất sợ hãi, khóc lóc. Tôi chỉ mong cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý người đã hành hung tôi theo đúng quy định pháp luật".
 
Được biết, ngay trong đêm xảy ra sự việc, V đã đến Công an quận 7 để trình bày và đến nhà xin lỗi anh D vì có những hành động như vậy. "Tôi nhận sai hoàn toàn về hành động mình gây ra với anh D, mong anh D và gia đình anh tha thứ", anh V nói.
 
Thả chó ra nơi công cộng là vi phạm pháp luật
 
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên, Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Theo quy định của pháp luật thì người nuôi chó phải xích, nhốt giữ trong khuôn viên của gia đình. Trường hợp đưa chó ra khỏi khuôn viên của gia đình thì phải đeo rọ mõm hoặc xích có người dắt, đảm bảo an toàn cho những người xung quanh.
 
Cụ thể, Khoản 3 Điều 66 của Luật Chăn nuôi 2018 quy định, chủ nuôi chó, mèo cần phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, đồng thời chủ vật nuôi cùng phải giữ gìn vệ sinh môi trường và bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y.
 
Nạn nhân D bị hành hung gây thương tích trên mặt
 
Các biện pháp bảo đảm an toàn hiện nay bao gồm: Đeo rọ mõm cho chó; Xích giữ chó khi ra đường... Ngoài ra, Khoản 1 Điều 7 Nghị định 05/2007/NĐ-CP về Phòng, chống bệnh dại ở động vật quy định: “Tất cả chó, mèo trong diện tiêm phòng bắt buộc phải được tiêm vắc xin phòng bệnh dại theo quy định của cơ quan thú y”.
 
Người nuôi chó có thể bị xử phạt hành chính nếu không tiêm phòng cho chó, không quản lý chó nơi công cộng. Để chó cắn người khác dẫn đến hậu quả chết người thì chủ vật nuôi có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định an toàn nơi đông người theo điều 295 Bộ Luật Hình sự. Trường hợp chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng thì cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 1 đến 2 triệu đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
 
“Như vậy, có thể thấy người đàn ông này thả chó ra sảnh chung cư là hành vi vi phạm pháp luật. Với hành vi này chủ chó sẽ bị xử phạt hành chính đến 2 triệu đồng. Hành vi này còn thể hiện ý thức kém trong việc thực hiện nếp sống văn minh, gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, an toàn công cộng.
 
Trong trường hợp người bị hành hung có đơn đề nghị xử lý hình sự, thì dù kết quả giám định tỷ lệ thương tích dưới 11%, cơ quan điều tra vẫn có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý người đàn ông này về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung là hành vi có tính chất côn đồ. Khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
 
Ngoài việc bị xử lý hình sự với chế tài có thể tới ba năm tù, đối tượng còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với nạn nhân, bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, thu nhập bị mất, bị giảm sút và bồi thường một khoản tiền tổn thất về tinh thần không quá 50 tháng lương cơ bản”, luật sư Đặng Văn Cường nói.
 
Cũng theo vị Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, hành vi côn đồ trước mặt trẻ em như vậy là rất đáng lên án. Sự việc này sẽ tạo ra cú sốc tâm lý đối với cháu bé và đối với cha của cháu bé, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Hành vi của chủ vật nuôi rõ ràng không phù hợp với đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục, xâm phạm đến sức khỏe của người khác. Mặc dù sau khi sự việc xảy ra, đối tượng đã tỏ ra hối lỗi, xin lỗi người bị hại. Tuy nhiên cũng cần phải có mức xử lý phù hợp để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
 
Trường hợp bị hại không có đơn đề nghị xử lý hoặc rút đơn thì cơ quan chức năng cũng sẽ xử phạt vi phạm hành chính đối nam thanh niên với nhiều lỗi trong đó có lỗi thả rông vật nuôi và hành hung gây thương tích đối với người khác. Theo quy định của pháp luật, người có hành vi cố ý gây thương tích cho người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5 đến 8 triệu đồng.
 
Thành Lộc

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
 
Ảnh 01
Ảnh 02
Ảnh 03

Gọi trực tiếp gặp Luật sư tư vấn hoặc để lại yêu cầu của Quý khách

Tất cả thông tin Quý khách cung cấp, đều được bảo mật tuyệt đối bởi đội ngũ nhân sự Văn phòng luật sư Chính Pháp

Gọi trực tiếp gặp Luật sư 0977 999 896