Logo

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP

Đề án sáp nhập tỉnh, xã: Có nên chia tách các thành phố trực thuộc tỉnh hay không?
12/04/2025
icon-zalo

Đề án sáp nhập tỉnh, xã: Có nên chia tách các thành phố trực thuộc tỉnh hay không?

Đại biểu Quốc hội, luật sư vừa nêu ý kiến liên quan đến Đề án sáp nhập tỉnh, xã. Trong đó có nội dung liên quan đến việc có nên chia tách các thành phố trực thuộc tỉnh hay không?

Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII chính thức khai mạc sáng 10/4. Tại hội nghị, Trung ương tập trung thảo luận về Báo cáo sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Kết luận số 127 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Nhiều Đề án được đưa ra thảo luận, trong đó có Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia, người dân đã bày tỏ ý kiến liên quan đến nội dung các thành phố trực thuộc tỉnh trong quá trình sáp nhập nên giữ nguyên hay chia tác thành các phường theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp?

Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho hay, việc sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện và sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã là chủ trương chung của Trung ương trong giai đoạn hiện nay. Khi thực hiện việc này sẽ giúp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả, tiết kiệm ngân sách Nhà nước, thúc đẩy kinh tế, xã hội với triển.

Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Phạm Hưng.

Đối với các thành phố trực thuộc tỉnh, ông Hòa băn khoăn nếu như giữ lại thì được xác định là cấp cơ sở hay là cấp trung gian. Bởi tại kết luận 127, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tiếp tục yêu cầu và đưa ra tiến độ, thời gian trình nội dung các cơ quan nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã.

“Nếu như đã bỏ cấp quận, huyện thì thành phố trực thuộc tỉnh cũng có thể được coi là cấp trung gian, do vậy cần nghiên cứu bỏ luôn cấp này để thuận tiện trong việc quản lý, phù hợp với mô hình chính quyền ba cấp” ông Hòa nêu quan điểm.

Theo ông, trường hợp các thành phố chia tách thành nhiều phường sẽ giúp bộ máy vận hành tốt hơn, gần dân, sát dân hơn. Các vấn đề của người dân liên quan đến an sinh xã hội được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả.

Tuy nhiên, ông Hòa cũng cho rằng, có nhiều người dân sẽ cảm thấy luyến tiếc khi tên của thành phố tồn tại hàng trăm năm bị mất đi. Ngoài ra, quan hệ giữa cấp tỉnh và cơ sở cũng có thể sẽ có nhiều hạn chế.

“Nội dung này cơ quan quản lý Nhà nước cần phải nghiên cứu kỹ làm sao khi chia tác phải đảm bảo các yếu tố phát triển kinh tế xã hội, đời sống dân sinh của người dân, hướng tới mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho người dân”, ông Hòa chia sẻ.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng, việc sáp nhập tỉnh, bỏ cấp trung gian nhằm mở rộng không gian kinh tế, đảm bảo hiệu quả trong công tác quản lý, giảm thiểu các chi phí cho các khâu trung gian.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp. Ảnh nhân vật cung cấp.

Theo ông, theo nguyên tắc chung thì cấp huyện bao gồm huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là đơn vị hành chính cấp huyện. Theo chủ trương chung là sẽ bỏ đơn vị hành chính này để xây dựng chính quyền ba cấp là cấp xã, cấp tỉnh và Trung ương.

Đối với thành phố, thị xã thuộc tỉnh thì đó là đơn vị hành chính đặc thù bởi tính đô thị hóa cao hơn so với các huyện thông thường, đồng thời có cơ cấu bộ máy tổ chức khá hoàn chỉnh.

“Bởi vậy theo tôi khi thực hiện sáp nhập cũng cần tính toán đến tính hợp lý, cân đối những điểm lợi thế và những hạn chế bất cập khi xây dựng thành chính quyền ba cấp. Các tiêu chí tính toán dựa trên sự đồng bộ, chi phí quản lý, hiệu quả trong công tác quản lý và không gian kinh tế để đảm bảo phát huy tối đa được những giá trị của các thành phố thuộc tỉnh hiện nay đang có”, ông Cường nêu quan điểm.

Ông Đặng Thanh Hưng (Hà Nội) cho biết thêm, cơ quan quản lý cần quan tâm tới đặc thù đô thị và chính quyền đô thị. Có thể dựa vào vị trí, địa lý, lợi thế của từng địa phương để sắp xếp cho hợp lý.

Không nên cứng nhắc trong việc các thành phố đều phải chia nhỏ thành các phường mà có thể giữ các thành phố, thị xã thuộc tỉnh. Song song với đó, tổ chức lại thành đơn vị hành chính cấp cơ sở cùng với đó là thiết lập chính quyền đô thị là cấp cơ sở trong mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Nguồn: Đề án sáp nhập tỉnh, xã: Có nên chia tách các thành phố trực thuộc tỉnh hay không?

 

Ảnh 01
Ảnh 02
Ảnh 03

Gọi trực tiếp gặp Luật sư tư vấn hoặc để lại yêu cầu của Quý khách

Tất cả thông tin Quý khách cung cấp, đều được bảo mật tuyệt đối bởi đội ngũ nhân sự Văn phòng luật sư Chính Pháp

Gọi trực tiếp gặp Luật sư 0977 999 896