Logo

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP

Đánh nhau với lái xe taxi, rồi lái xe bỏ chạy: Cần làm rõ có mục đích chiếm đoạt tài sản hay không thì mới có thể xử lý hình sự ?
17/04/2024
icon-zalo

Đánh nhau với lái xe taxi, rồi lái xe bỏ chạy: Cần làm rõ có mục đích chiếm đoạt tài sản hay không thì mới có thể xử lý hình sự  ? 

Việc Hoàng Khương Duy hành hung tài xế taxi do mâu thuẫn từ việc đi không đúng ý mình, rồi lái chiếc ôtô khỏi hiện trường, dưới góc pháp lý, các luật sư cho rằng, cơ quan chức năng cần làm rõ thanh niên này có hay không hành vi chiếm đoạt tài sản.

Theo thông tin diễn biến ban đầu vụ việc, đêm 14.4, sau khi từ quán bar ở phố Yên Phụ (Hà Nội) ra về, Hoàng Khương Duy (25 tuổi) gọi xe taxi G7 do anh Nam (tên đã thay đổi) điều khiển.

Duy yêu cầu tài xế chở về khu vực Trường tiểu học Huy Văn, phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội. Trên đường đi từ Yên Phụ về đến Trần Quý Cáp, giữa Duy và tài xế xảy ra mâu thuẫn.

Nguyên do ban đầu, Duy cho rằng, tài xế đi đường không đúng ý của mình. Hai bên to tiếng, Duy dùng tay trái ghì cổ anh Nam vào ghế lái, tay phải cầm điện thoại đấm liên tục vào đầu, mặt, ngực, bụng nạn nhân.

Hoảng sợ, nam tài xế liền bật cửa chạy ra khỏi xe và tri hô. Lúc này, Duy đã nhảy vào ghế lái điều khiển phương tiện bỏ chạy.

Khi đến phố Lương Sử C, Duy bỏ lại xe và chạy bộ bỏ trốn sau khi va chạm với một số phương tiện trên đường.

Trong khi đó, anh Nam đến trụ sở công an trình báo. Duy bị bắt giữ sau đó.

Tài xế taxi G7 ở Hà Nội bị cướp xe trong đêm - 1

Hoàng Khương Duy (Ảnh: ANTĐ

Vậy hành vi của Duy có phải là cướp taxi?

Theo dõi vụ việc, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, thông tin từ phía cơ quan chức năng, va chạm giữa hai bên là mâu thuẫn trong việc thống nhất lộ trình di chuyển trong quá trình đi xe taxi. Kết quả xác minh ban đầu chưa có căn cứ cho thấy hành khách này có mục đích chiếm đoạt tài sản của người lái xe taxi. Pháp luật quy định “cướp tài sản” là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Theo đó đối tượng thực hiện hành vi cướp tài sản sẽ có mục đích cướp (chiếm đoạt) tài sản trước khi thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe đoạ dùng vũ lực ngay tức khắc. Nếu hành vi dùng vũ lực không kèm theo mục đích chiếm đoạt tài sản thì sẽ không xử lý về các tội danh xâm phạm quyền sở hữu tài sản như cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản… Ngoài ra, hành vi chiếm giữ trái phép tài sản, sử dụng sẽ phép tài sản đến mức bị xử lý hình sự nếu như chủ sở hữu tài sản đòi lại tài sản mà người khác vẫn cố tình chiếm giữ, sử dụng trái phép. 

Còn trường hợp sử dụng tài sản của người khác không được phép nhằm mục đích bỏ trốn nhưng không có mục đích chiếm đoạt, thời gian sử dụng ngắn, không chứng minh được có việc đòi lại tài sản thì có thể đánh giá là chưa nguy hiểm cho xã hội. 

Bộ luật hình sự có cả một chương riêng về các tội phạm xâm phạm quyền sở hữu tài sản, theo đó có các hành vi chiếm đoạt tài sản bằng vũ lực, bằng thủ đoạn khác hoặc hành vi sử dụng trái phép tài sản có thể bị xử lý hình sự nếu như hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm, trong đó có mặt khách quan và mặt chủ quan của tội phạm. Nhóm tội phạm xâm phạm quyền sở hữu tài sản chia thành nhiều tội danh, với đặc điểm hành vi, yếu tố lỗi, động cơ mục đích khác nhau. Để xử lý về tội danh nào thì phải căn cứ vào quy định của pháp luật, trên cơ sở lý luận về cấu thành tội phạm. 

Theo thông tin từ phía cơ quan chức năng thì va chạm giữa hai bên là mâu thuẫn trong việc thống nhất hướng di chuyển, lộ trình trong quá trình đi xe taxi giữa người lái xe taxi và khách hàng. Sau đó hai bên xảy ra xô xát và gửi lái xe bỏ chạy, còn khách hàng thì lái xe rời khỏi hiện trường, sau đó cũng bỏ xe để bỏ trốn. Diễn biến hành vi có thể rất rõ ràng là gây mất an ninh trật tự  có thể xâm phạm đến sức khỏe, tài sản của người khác. Tuy nhiên hành vi này vi phạm pháp luật ở mức độ nào, có đến mức xử lý hình sự hay chưa, nếu có thể xử lý về tội danh nào là vấn đề quan trọng mà cơ quan điều tra cần xác minh làm rõ trước khi có quyết định khởi tố hay không khởi tố. 

Pháp luật quy định cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Bởi vậy, để buộc tội đối tượng này về tội cướp tài sản thì cơ quan tiến hành tố tụng phải thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh đối tượng này có mục đích chiếm đoạt chiếc xe taxi, vì muốn chiếm đoạt nên đã sử dụng vũ lực đối với nạn nhân. Hành vi sử dụng vũ lực, tấn công (đánh) nạn nhân nhằm mục đích chiếm đoạt chiếc xe ô tô đó, sau khi lấy được chiếc xe ô tô thì không có ý định trả lại…

Nếu hành vi sử dụng vũ lực đối với nạn nhân không phải nhằm mục đích để chiếm đoạt tài sản thì không đủ căn cứ để kết tội về tội cướp tài sản. Về nguyên tắc trong cấu thành tội phạm thì mặt khách quan phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, hành vi dùng vũ lực phải dẫn đến hậu quả nhằm chiếm đoạt tài sản. Mặt chủ quan cũng đòi hỏi lỗi phải là cố ý, động cơ mục đích của hành vi đánh người phải hướng đến mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản thì mới có thể xử lý về tội cướp tài sản. Nếu hành vi đánh người lái xe do mâu thuẫn cá nhân nhưng không nhằm mục đích để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân thì chỉ có thể chịu trách nhiệm pháp lý về hậu quả gây thương tích hoặc chết người có thể xảy ra, khi đó chỉ có thể xử lý về hành vi cố ý gây thương tích hoặc giết người tùy thuộc vào hậu quả xảy ra chứ không thể xử lý về hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản (vì không có mục đích chiếm đoạt).

Theo diễn biến sự việc thì hành vi dùng vũ lực là có, việc điều khiển xe ô tô di chuyển một quãng đường là có. Tuy nhiên cần phải chứng minh các yếu tố về mặt chủ quan của tội phạm, cụ thể là phải chứng minh việc sử dụng vũ lực như vậy là nhằm mục đích chiếm đoạt chiếc xe ô tô thì mới buộc tội được đối tượng này về tội cướp tài sản theo quy định tại điều 168 bộ luật hình sự. 

Nếu hành vi dùng vũ lực không nhằm mục đích chiếm đoạt mà do mâu thuẫn cá nhân thì hành vi điều khiển xe ô tô một quãng đường đó chỉ có thể xử lý về hành vi chiếm giữ, sử dụng trái phép tài sản. Trong vụ việc này cũng cần làm rõ hành vi điều khiển xe ô tô một quãng đường như vậy với mục đích gì, nếu mục đích là muốn chiếm đoạt chiếc xe ô tô đó thì có thể xử lý về tội cướp tài sản. Còn trường hợp việc điều khiển xe ô tô rời khỏi khu vực xảy ra ẩu đả đó với mục đích là bỏ trốn thì sẽ không xử lý về tội cướp tài sản. Vấn đề mẫu chốt trong vụ việc này mà cơ quan điều tra phải chứng minh là có mục đích chiếm đoạt hay không và hành vi lái xe ô tô của hành khách như vậy có phải là hành vi chiếm đoạt tài sản hay không. 

Về mặt lý luận thì tội cướp tài sản thuộc nhóm tội phạm xâm phạm quyền sở hữu tài sản, hành vi điển hình là vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có thủ đoạn khác làm tê liệt ý chí của nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi phạm tội là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân, hành vi sử dụng vũ lực gắn với mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản. Còn trường hợp dùng vũ lực mà không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì không cấu thành tội danh này. Hành vi chỉ cấu thành tội phạm nếu thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm trong đó có mặt khách quan, mặt chủ quan, chủ thể và khách thể của tội phạm. Bởi vậy, trong vụ việc này cần làm rõ mặt chủ quan và khách thể của tội phạm để xác định hành vi đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm về tội cướp tài sản hay chưa.

Nếu hành vi dùng vũ lực, đánh nhau do mâu thuẫn và việc điều khiển xe ô tô rời khỏi hiện trường là để bỏ trốn chứ không nhằm mục đích chiếm đoạt thì không bị xử lý về tội cướp tài sản. Chiếm đoạt tài sản là phải biến tài sản của người bị hại thành tài sản của mình một cách bất hợp pháp, phải sử dụng tài sản đó để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi lợi tức hoặc mang định đoạt tài sản thì mới là chiếm đoạt. Hành vi chiếm đoạt bằng cách sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc thì sẽ cấu thành tội cướp tài sản. 

  

Ts. Ls. Đặng Văn Cường
Điện thoại: 0977999896
Ảnh 01
Ảnh 02
Ảnh 03

Gọi trực tiếp gặp Luật sư tư vấn hoặc để lại yêu cầu của Quý khách

Tất cả thông tin Quý khách cung cấp, đều được bảo mật tuyệt đối bởi đội ngũ nhân sự Văn phòng luật sư Chính Pháp

Gọi trực tiếp gặp Luật sư 0977 999 896