Cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long 2 lần nhắn tin 'vòi' hàng triệu USD
19/08/2023
Cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long 2 lần nhắn tin 'vòi' hàng triệu USD
Theo kết luận điều tra, bị can Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Y tế đã 2 lần nhắn tin cho thư ký riêng liên hệ với Phan Quốc Việt, yêu cầu đưa hàng triệu USD để đi xử lý công việc.
Ngày 17-8, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ban hành kết luận điều tra vụ án Công ty Việt Á "thổi giá" kit xét nghiệm, đề nghị truy tố cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.
Theo kết luận điều tra, cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nhận 2,25 triệu USD trong vụ Việt Á.
Cơ quan điều tra xác định ông Nguyễn Thanh Long đã có hành vi nhận hối lộ trong việc cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương kit xét nghiệm COVID-19, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản nhà nước.
Ông Long tạo điều kiện cho Công ty Việt Á đăng ký lưu hành bộ kit xét nghiệm dù không đủ điều kiện
Theo kết luận điều tra, cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long biết kit xét nghiệm COVID-19 là sản phẩm thuộc đề tài nghiên cứu do Bộ Khoa học và Công nghệ giao Học viện Quân y chủ trì, thuộc sở hữu nhà nước.
Công ty Việt Á không đủ điều kiện để được cấp số đăng ký lưu hành, tuy nhiên theo đề nghị của Phan Quốc Việt, ông Long đã chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện để đơn vị này được cấp số đăng ký lưu hành tạm thời cho kit xét nghiệm COVID-19.
Bộ Y tế sau đó ban hành quyết định cấp số đăng ký lưu hành chính thức sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19 cho Công ty Việt Á. Ông Long đã đại diện Bộ Y tế thực hiện hiệp thương giá kit xét nghiệm với Việt Á, có sự tham gia của đại diện Bộ Tài chính.
Chân dung ông Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh
Cuối cùng, Bộ Y tế quyết định giá hiệp thương với Công ty Việt Á là 470.000 đồng/kit xét nghiệm.
"Mức giá này theo cơ quan điều tra là không có căn cứ nên Bộ Tài chính phải đôn đốc Bộ Y tế kiểm tra giá hiệp thương để xác định giá chính thức làm cơ sở ký hợp đồng, thanh toán.
Mặc dù vậy, Bộ Y tế vẫn không thực hiện mà thanh toán cho Công ty Việt Á thông qua nguồn tài trợ của các ngân hàng", kết luận nêu.
Không chỉ vậy, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện Công ty Việt Á sai phạm về nguyên vật liệu sản xuất và có ý kiến đề nghị Bộ Y tế thu hồi số đăng ký của Việt Á.
Tuy nhiên, cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã không chỉ đạo kịp thời. Ông Long cũng không ra kết luận kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Với những sai phạm đã được chỉ ra như trên nhưng Bộ Y tế vẫn công bố giá không có căn cứ lên cổng thông tin điện tử Bộ Y tế tạo mặt bằng giá kit xét nghiệm.
C03 nhận định, từ hàng loạt hành vi "tạo điều kiện" và sai quy định của cựu bộ trưởng dẫn tới việc Việt Á bán cho các đơn vị, địa phương theo giá kit xét nghiệm đã nâng khống.
Đặc biệt, khi Việt Á sản xuất kit, ông Long còn giới thiệu Phan Quốc Việt với lãnh đạo một số địa phương, tạo điều kiện cho Việt Á tiêu thụ kit xét nghiệm.
Bị can Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế.
Nhận 2,25 triệu USD, ông Nguyễn Thanh Long bị đề nghị truy tố tội nhận hối lộ
Thời điểm khởi tố bị can, bắt tạm giam, ông Nguyễn Thanh Long bị điều tra về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Tuy nhiên quá trình điều tra, làm rõ được hành vi nhận tiền của ông Long, nhận tiền nhiều lần từ chủ tịch Công ty Việt Á, nên cơ quan điều tra đổi tội danh và đề nghị truy tố cựu bộ trưởng tội nhận hối lộ.
Theo kết luận, cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và thư ký của mình là bị can Nguyễn Huỳnh đã can thiệp, tác động và chỉ đạo giúp Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm COVID-19, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương trái quy định pháp luật.
Chỉ đạo trên của ông Long bị cáo buộc là không có căn cứ, để Công ty Việt Á tổ chức sản xuất, tiêu thụ kit xét nghiệm theo đơn giá đã được Phan Quốc Việt nâng khống, thu lời bất chính số tiền đặc biệt lớn.
Đồng thời cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và thư ký của mình gợi ý Phan Quốc Việt đưa tiền - kết luận nêu.
Cơ quan điều tra xác định tổng số tiền mà Phan Quốc Việt đã chi hối lộ cho cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lên đến 2,25 triệu USD (hơn 51 tỉ đồng).
Trong đó, Việt đưa cho Nguyễn Huỳnh 2,2 triệu USD để chuyển cho ông Nguyễn Thanh Long và trực tiếp Việt đưa cho cựu bộ trưởng 50.000 USD.
Việt cũng chi hối lộ cho cá nhân thư ký của ông Long 4 tỉ đồng. Tổng số tiền thư ký của ông Long bị cáo buộc nhận hối lộ là 53,9 tỉ, trong đó chuyển cho ông Long 49,9 tỉ, còn sử dụng cá nhân 4 tỉ.
Hành vi của ông Long bị cơ quan điều tra xác định đã phạm vào tội nhận hối lộ.
Các ông Nguyễn Thanh Long (bìa phải), Chu Ngọc Anh bị bắt tạm giam đầu tháng 6/2022.
Ông Long là "tư lệnh" của ngành y tế có vai trò thực hiện, giám sát công tác phòng chống dịch nhưng lại bị bắt vì những sai phạm liên quan đến vụ án Công ty Việt Á hối lộ các quan chức hàng trăm tỉ đồng để thông đồng nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19.
Tổng giám đốc Công ty Việt Á chuyển tiền qua thư ký của ông Long
Lần đầu tiên, tổng giám đốc Công ty Việt Á đưa hối lộ cho thư ký của ông Long vào khoảng tháng 12-2020. Phan Quốc Việt gọi điện qua ứng dụng Whatsapp cho Nguyễn Huỳnh và được thư ký bộ trưởng này hẹn đến gặp tại nhà riêng ở quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Sau đó, Việt xách theo một túi vải màu xanh có in logo của Ngân hàng TMCP Á Châu (trong đó có 200.000 USD Việt đã chuẩn bị trước) đến đợi ở trước cửa nhà Huỳnh.
Khoảng 12h trưa, Huỳnh từ trụ sở Bộ Y tế về, mở cửa nhà và cùng Việt vào phòng khách tầng 1 ngồi uống nước, nói chuyện tại bàn trà. Sau khi nói chuyện, Việt lấy túi tiền đặt trên mặt bàn nói Huỳnh chuyển cho bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, rồi ra về.
Sau khi Việt về, Huỳnh mở túi kiểm tra thấy có 200.000 USD, gồm 2 cọc, mỗi cọc 10 tệp, mỗi tệp 100 tờ mệnh giá 100 USD. Cựu thư ký mang túi tiền này cất vào ô tô rồi lái xe đến trụ sở Bộ Y tế làm việc buổi chiều.
Ông Nguyễn Thanh Long trước khi bị bắt.
Đến khoảng 18h cùng ngày, Huỳnh đi xe ô tô đến nhà riêng của ông Long ở phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, TP Hà Nội để đón, đưa cựu bộ trưởng ra quán Công Viên Nhỏ ở bãi An Dương ăn tối với bạn của ông Long.
Khi đi, ông Long mang theo cặp da màu đen, để ở ghế sau xe ô tô của Huỳnh. Sau khi cựu bộ trưởng vào quán ăn tối cùng bạn thì thư ký lái xe về nhà riêng.
Đến khoảng 22h cùng ngày, khi được cựu bộ trưởng gọi đến đón thì Huỳnh để số tiền 200.000 USD đã nhận từ Phan Quốc Việt trước đó vào cặp da của ông Long. Khi về đến nhà, Huỳnh nói có 200.000 USD Việt chuyển cho bộ trưởng để trong cặp da.
Ông Long xuống xe, xách cặp da vào nhà, kiểm tra thấy trong cặp có 200.000 USD, gồm 20 tệp, mỗi tập 100 tờ mệnh giá 100 USD - kết luận nêu.
Cũng trong vụ Việt Á, ông Chu Ngọc Anh - cựu bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - bị đề nghị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Các quan chức cấp bộ bị đề nghị truy tố trong vụ Việt Á gồm: ông Nguyễn Minh Tuấn - nguyên vụ trưởng Vụ trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế; ông Nguyễn Nam Liên - vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính, Bộ Y tế; ông Trịnh Thanh Hùng - phó vụ trưởng Vụ khoa học - công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ; và ông Nguyễn Huỳnh - phó trưởng phòng quản lý giá Cục Quản lý dược, cựu thư ký bộ trưởng Nguyễn Thanh Long...
Các ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh cùng bị khởi tố trong vụ án thổi giá kit xét nghiệm của Công ty Việt Á, xảy ra trong giai đoạn dịch COVID-19 ở nước ta.
Biết con dâu vi phạm luật giao thông đường bộ, thay vì chấp hành thì người mẹ chồng lại có hành vi chống đối, ngăn cản Tổ công tác của Đội CSGT Công an huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đang làm nhiệm vụ. Dù bị khống chế nhưng người này vẫn văng nhiều từ ngữ dung tục, khó nghe.
Do đòi tiền phí, người giao hàng bị vợ chồng người nhận hàng sử dụng hung khí là tuýp sắt, bình hoa, ghế… đánh gãy hai tay. Chuyên gia pháp lý cho biết, vụ việc này đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Chuyên gia pháp lý nhận định, đây là một vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, thể hiện thái độ coi thường pháp luật, xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của người khác.
Hoạt động hành nghề mê tín dị đoan gây ra nhiều hệ lụy, tiêu cực cho xã hội khiến nhiều người tan cửa, nát nhà, gia đình ly tán. Do vậy, việc đấu tranh với các hoạt động mê tín dị đoan đồng bóng, bói toán là cần thiết để xã hội văn minh hơn, phát triển lành mạnh hơn