Cần xử nghiêm nữ tài xế "nổ" là cháu Bộ trưởng Công an
Luật sư cho rằng, cùng với việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn, cơ quan chức năng cũng cần có hình thức xử phạt nữ tài xế “nổ” là cháu lãnh đạo Bộ Công an.
Công an TP Hà Nội vừa thông tin về vụ va chạm giao thông trên đường Trần Cung (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, khoảng 23h00 ngày 5/3, chị L.H.T (trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) điều khiển xe ô tô BKS 30H-119XX di chuyển trên đường Trần Cung, hướng đi Phạm Văn Đồng đã va chạm với 1 xe máy của anh N.V.A (trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đang dừng sát vỉa hè (đối diện khu vực số 38 Trần Cung).
Lực lượng CSGT đo nồng độ cồn đối với chị T.
Sau khi xảy ra va chạm, nhận được tin báo, Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an Thành phố đã đến hiện trường giải quyết. Kiểm tra nồng độ cồn với chị L.H.T cho kết quả 0,573 mg/l khí thở, anh N.V.A không có nồng độ cồn. Lực lượng CSGT đã đưa 2 lái xe vào Bệnh viện để xét nghiệm máu, kiểm tra chất kích thích và tạm giữ 2 phương tiện nói trên.
Sau khi xảy ra vụ việc, một số trang mạng xã hội đưa tin chị L.H.T tự xưng là cháu của Bộ trưởng Bộ Công an, Công an TP Hà Nội cho biết, lực lượng chức năng đã xác định chị L.H.T không có bất kỳ quan hệ gì với Bộ trưởng Bộ Công an.
|
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp |
Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, những nội dung thể hiện qua clip cho thấy nữ tài xế khá "ngây thơ" và có những suy nghĩ hành động lệch chuẩn khiến dư luận xã hội cười chê, lên án. Kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy người này không phải là con cháu của lãnh đạo Bộ Công an. Với hành vi vi phạm giao thông, ứng xử thiếu chuẩn mực, thể hiện thái độ coi thường pháp luật thì có là con cháu ai cũng sẽ phải xử lý nghiêm chứ không để tình trạng "con ông, cháu cha", coi mình là vùng cấm như thế.
Đáng chú ý, kết quả kiểm tra nồng độ cồn cho thấy nữ tài xế vi phạm ở mức kịch khung. Với tất cả diễn biến sự việc như vậy, nữ tài xế sẽ bị xử phạt với mức phạt có thể kịch khung.
Theo Khoản 6, Điều 17, Nghị định số 123/2021/NĐ-CP của chính phủ sửa đổi Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt và đường bộ, người điều khiển xe ô tô trên đường có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở, sẽ bị phạt tiền trong khoảng từ 30.000.000 đến 40.000.000 đồng. Đồng thời, người vi phạm bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe trong thời gian từ 22 đến 24 tháng, theo quy định tại Điểm đ Khoản 7 Điều 17 của nghị định trên.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ hành vi hành hung người đi xe mô tô. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy nữ tài xế đã mất kiểm soát về cảm xúc và có những lời lẽ xúc phạm, có hành vi hành hung người lái xe mô tô gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội, có thể xử phạt vi phạm hành chính người này về hành vi gây rối trật tự công cộng với mức phạt tới 3.000.000 đồng.
Hành vi thông báo "tin giả" với cơ quan chức năng về việc mình là cháu cán bộ lãnh đạo bộ ngành để xin bỏ qua sai phạm cũng bị phạt tới 3.000.000 đồng theo quy định tại điều 7, của nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Luật sư Cường cho rằng, việc cơ quan chức năng kịp thời xử lý tình huống ngăn chặn hai bên xô xát, kiểm tra nồng độ cồn và xử lý đối với người phụ nữ này bằng mức xử phạt nghiêm khắc là cần thiết. Vụ việc này sẽ là bài học về ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông, cảnh tỉnh với nhiều người khi vi phạm nồng độ cồn và dựa vào mối quan hệ để xin xỏ nhờ vả. Đặc biệt, hành vi giả mạo người thân của cán bộ lãnh đạo để xin xỏ là rất đáng trách, có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của cán bộ công chức, gây ra dư luận xấu trong xã hội nên đối với những trường hợp như vậy cần phải xử lý nghiêm minh để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung cho xã hội.