Logo

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP

Cần xử lý nghiêm các đối tượng bán tài khoản ngân hàng của khách hàng trên không gian mạng !
18/06/2023
icon-zalo
Vụ án liên quan đến hàng loạt nhân viên ngân hàng tiếp tay cho một người mua bán tài khoản ngân hàng, thông tin khách hàng gây bức xúc cho người dân thời gian qua.
 
Ngày 17-6, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Đà Nẵng cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan đến thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng.

Phòng An ninh mạng cũng chuyển vụ việc và người bị tình nghi là H.Đ.N (30 tuổi, quê Lào Cai) cho Cơ quan CSĐT để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi phạm tội. Ngoài ra, hàng chục nhân viên ngân hàng cũng bị triệu tập để điều tra về hành đồng phạm với N.

Mua bán thông tin khách hàng của ngân hàng

Bước đầu, N khai nhận, khoảng tháng 10-2022, N đã tham gia nhóm liên quan đến việc trao đổi, mua bán thông tin tài khoản ngân hàng của người khác để thu lợi. Nhận thấy công việc này dễ thực hiện và dễ thu lợi nên N đã sử dụng tài khoản Facebook, Zalo, Telegram của mình và bạn gái để đăng tải bài viết có nội dung quảng cáo nhận làm dịch vụ tra soát thông tin tài khoản ngân hàng của người khác.

Đường dây mua bán thông tin tài khoản ngân hàng có sự tiếp tay của nhân viên ngân hàng - Ảnh 1.

Bước đầu N. khai từ khoảng tháng 10-2022 đã tham gia nhóm Facebook tên "Tài khoản ngân hàng A.T.M". Trong nhóm này có nhiều tài khoản Facebook đăng tải các bài viết với nội dung trao đổi, mua bán thông tin tài khoản ngân hàng của người khác để thu lợi.

Thấy dễ thu lợi nên H.Đ.N. đã sử dụng tài khoản Facebook, Zalo, Telegram của mình và người yêu để đăng tải bài viết có nội dung quảng cáo nhận làm dịch vụ tra soát thông tin tài khoản ngân hàng của người khác và có thu phí để thu lợi bất chính.

Khi có khách liên lạc mua thông tin tài khoản ngân hàng thì H.Đ.N. liên hệ các đầu mối trên mạng và các nhân viên ở các ngân hàng trên cả nước để tra soát, thu thập, mua thông tin rồi bán lại cho khách hàng với giá chênh lệch.

Tùy vào từng ngân hàng mà H.Đ.N. bán thông tin tài khoản ngân hàng với giá khác nhau, dao động từ 300.000 đồng đến 2,2 triệu đồng/mỗi thông tin tài khoản.

Sau đó H.Đ.N. trả tiền cho người đã tra soát, cung cấp, bán thông tin tài khoản ngân hàng với số tiền từ 200.000 đồng đến 1,9 triệu đồng/mỗi thông tin tài khoản.

Đánh giá về vấn đề này, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng: Hành vi thu thập, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng của người khác là hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm, bởi vậy cơ quan điều tra làm rõ để xử lý là cần thiết để ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật tiếp theo có thể xảy ra, bảo vệ quyền và lễ hợp pháp cho công dân.

Rủi ro mua bán tài khoản ngân hàng - Ảnh 1.

Nhiều đường dây mua bán tài khoản ngân hàng đã bị cơ quan công an các tỉnh triệt phá.

Thông tin khách hàng lưu giữ tại các ngân hàng và thông tin tài khoản ngân hàng là những thông tin thuộc về bí mật cá nhân, những thông tin này bị lộ lọt thì rất dễ dẫn đến khách hàng trở thành nạn nhân trong những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị truy cập đánh cắp tiền trong tài khoản hoặc phát sinh những rắc rối không đáng có. 

Thông tin tài khoản ngân hàng của khách hàng cũng là một trong những thông tin quan trọng cần phải bảo mật trong hệ thống ngân hàng, các ngân hàng có trách nhiệm phải bảo mật thông tin khách hàng và phải áp dụng các biện pháp để chống đánh cắp thông tin, bảo vệ tối đa quyền lợi của khách hàng.

Tuy nhiên, thời gian gần đây hành vi sao chép, truyền đưa, thậm chí bán data khách hàng, rao bán tài khoản ngân hàng của khách hàng diễn ra khá phổ biến trên không gian mạng. Đây là thời cơ lý tưởng cho các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản có được thông tin của khách hàng để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Các đối tượng tội phạm công nghệ cao có tổ chức thường mua các tài khoản ngân hàng để sử dụng nhận tiền của nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý tội phạm. 

Bởi vậy, hành vi sao chép, thu thập, bán thông tin khách hàng của các cán bộ ngân hàng và hành vi không chỉ vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà còn là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, hành vi này xâm phạm trực tiếp đến bí mật đời tư, bí mật cá nhân của khách hàng, đồng thời còn có thể là hành vi tiếp tay cho tội phạm và gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong quá trình xác minh, xử lý đối với tội phạm công nghệ cao.

Các đối tượng thực hiện hành vi sao chép, thu thập, bán tài khoản ngân hàng của khách hàng biết rất rõ về những nguy cơ tìm ẩn cho xã hội, xâm phạm đến quyền lợi của khách hàng nhưng vì ham lợi nên sẵn sàng để khách hàng vào tình thế nguy hiểm, gây rối loạn thông tin, ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực này. Bởi vậy việc phát hiện, xử lý các đối tượng này là cần thiết thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật cũng như để răn đe phòng ngừa các hành vi vi phạm, tội phạm trên không gian mạng.

Rủi ro mua bán tài khoản ngân hàng - Ảnh 2.

Dù chỉ hưởng lợi vài trăm nghìn đồng nhưng việc bán tài khoản lại để lại hậu quả rất lớn.

Các đối tượng thực hiện hành vi sao chép, thu thập, bán tài khoản ngân hàng có thể bị xử lý về nhiều tội danh khác nhau trong đó có thể là đồng phạm trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có thể bị xử lý hình sự về tội đưa hoặc Mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng theo điều 291 bộ luật hình sự với mức hình phạt có thể tới 07 năm tù. 

Tùy vào tính chất mức độ hành vi, nhận thức của các đối tượng mà hành vi này sẽ bị xử lý bằng các chế tài khác nhau. Nếu các đối tượng biết rõ là đối tượng mua tài khoản ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn bán tài khoản ngân hàng của khách hàng cho các đối tượng lừa đảo thì đây là hành vi giúp sức cho hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bởi vậy trong trường hợp này cơ quan điều tra có thể khởi tố người bán tài khoản ngân hàng cho các đối tượng lừa đảo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm theo điều 290 bộ luật hình sự hoặc điều 174 bộ luật hình sự với mức chế tài có thời tới 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Trường hợp cơ quan điều tra không chứng minh được giữa đối tượng bán tài khoản ngân hàng với đối tượng mua có biết về động cơ mục đích để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì trường hợp mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng từ 20 tài khoản trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng quy định tại Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015 mức hình phạt có thể tới 07 năm tù. Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau: 

Điều 291. Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng

1. Người nào thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 50 tài khoản đến dưới 200 tài khoản;

b) Có tổ chức;

c) Có tính chất chuyên nghiệp;

d) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài khoản trở lên;

b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, với hành vi thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng trở lên thì các đối tượng này sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 291 bộ luật hình sự với mức chế tài có thể tới 07 năm tù. 

Mua bán tài khoản ngân hàng số lượng ít có thể bị phạt đến 100.000.000 đồng

Trường hợp số tài khoản ngân hàng mua bán dưới 20 tài khoản hoặc thu lợi bất chính dưới 20.000.000 đồng thì hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 5, khoản 6, khoản 10 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định:

“5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 01 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Làm giả chứng từ thanh toán khi cung ứng, sử dụng dịch vụ thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

b) Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều này;

…”

Như vậy, theo quy định tại khoản 5, 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP, mức phạt hành chính đối với hành vi mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng Có thể bị phạt tới 100.000.000 đồng. Đồng thời, buộc người vi phạm nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường

Tiến sĩ Cường cho rằng thực tế cho thấy các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là sao chép thu thập bán tài khoản ngân hàng của khách hàng thì thường sẽ với số lượng lớn có đến hàng trăm, hàng ngàn tài khoản chứ không chỉ là một vài tài khoản, bởi vậy các đối tượng thực hiện hành vi này thường sẽ bị xử lý hình sự với mức chế tài nghiêm khắc có thể tới 07 năm tù chứ không chỉ đơn giản là sự phạt vi phạm hành chính. 

Trong thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý hình sự nhiều đối tượng mua bán tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên do thiếu hiểu biết pháp luật hoặc coi thường pháp luật, do ham lợi mà nhiều đối tượng đã thực hiện hành vi bán tài khoản ngân hàng với số lượng lớn để thu lợi bất chính. Hành vi này đã gây nhức nhối trong dư luận xã hội, gây bất an cho người dân, khách hàng của ngân hàng và gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc quản lý hành chính, quản lý kinh tế phải đấu tranh với tội phạm công nghệ cao. Bởi vậy việc phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các đối tượng thu thập trái phép thông tin tài khoản ngân hàng và bán để thu lợi bất chính là cần thiết để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

 

Theo Báo Tri thức và Cuộc sống

_____________________________________

Ts. Ls. Đặng Văn Cường

Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội.
Địa chỉ: 65B phố Tôn Đức Thắng, phường Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại/Zalo: 0977999896 - 02437327407
Ảnh 01
Ảnh 02
Ảnh 03

Gọi trực tiếp gặp Luật sư tư vấn hoặc để lại yêu cầu của Quý khách

Tất cả thông tin Quý khách cung cấp, đều được bảo mật tuyệt đối bởi đội ngũ nhân sự Văn phòng luật sư Chính Pháp

Gọi trực tiếp gặp Luật sư 0977 999 896