Bà Lê Thị Dung kêu oan tại tòa, cơ sở nào để giảm hình phạt như bản án phúc thẩm?
16/06/2023
Bà Lê Thị Dung được giảm án
Chiều 13/6, TAND tỉnh Nghệ An bác kháng cáo và kháng nghị, tuyên sửa một phần bản án sơ thẩm đối với 2 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên.
HĐXX quyết định giảm án cho bà Lê Thị Dung (cựu giám đốc trung tâm trên) từ 5 năm tù còn 15 tháng tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.
Còn bà Nguyễn Thị Hương (kế toán trung tâm) được miễn trách nhiệm hình sự. Trước đó, tòa sơ thẩm tuyên người này 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Theo đó, căn cứ vào kết quả xét hỏi, tranh tụng công khai tại phiên tòa cũng như các tài liệu, chứng cứ đã được thẩm định, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An và kháng cáo của bị cáo Lê Thị Dung.
HĐXX đánh giá bản án sơ thẩm xử mức án 5 năm tù giam đối với bà Dung là quá nghiêm khắc. Số tiền mà bà này được cho là hưởng lợi không lớn, nhân thân tốt. Bà Dung có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
Ngoài ra, tòa cấp sơ thẩm chưa xem xét hết các tình tiết giảm nhẹ cho bà Lê Thị Dung là áp dụng thiếu sót, cần rút kinh nghiệm.
Do đó, HĐXX tuyên phạt bà Lê Thị Dung 15 tháng tù và tính từ ngày bị bắt giam 28/3/2022.
Trước đó, trong phần xét hỏi tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Lê Thị Dung tiếp tục khẳng định mình không làm trái quy định của pháp luật.
Bị cáo kêu oan, có được xem xét giảm án?
Đánh giá về kết quả giải quyết vụ án với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo vẫn kêu oan, các luật sư đề nghị hủy bản án sơ thẩm để trả tự do cho bị cáo. Trong khi đó, Viện KSND đề nghị hủy án sơ thẩm để xem xét tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo.
So sánh kết quả xét xử sơ thẩm và phúc thẩm thấy rằng tòa án hai cấp đều xác định bị cáo Lê Thị Dung phạm tội, xác định hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật hình sự.
Điều này đồng nghĩa với việc tòa án ở hai cấp đều cho rằng bị cáo là người có chức vụ quyền hạn phải, nhưng vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10 triệu đồng...
Tuy nhiên, quan điểm áp dụng pháp luật của hai cấp tòa án lại khác nhau. Tòa sơ thẩm cho rằng với những tài liệu chứng cứ đã được làm sáng tỏ thì bị cáo phạm tội 2 lần trở lên nên áp dụng khoản 2, Điều 356. Trong khi đó, tòa phúc thẩm lại không áp dụng tình tiết phạm tội 2 lần trở lên nên đã xét xử bị cáo ở khoản 1, Điều 356.
Ông Cường cho rằng, đây là điều hơi khó hiểu, bởi nếu bị cáo đã cố ý ban hành quy chế trái pháp luật, làm trái công vụ để gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, hành vi gây thiệt hại diễn ra nhiều lần nên phải áp dụng khoản 2, Điều 356 mới đúng pháp luật.
Trong khi đó, quan điểm của bên bào chữa là quy chế không sai, hành vi không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm nên không đồng ý về tội danh và mức hình phạt. Tòa án cấp phúc thẩm cũng không chấp nhận quan điểm này.
Vị chuyên gia phân tích, theo quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự, mức hình phạt ở khoản 1 và khoản 2 rất khác nhau. Với khoản 1, hình phạt tù từ 1 đến 5 năm, tòa án tuyên 15 tháng khi áp dụng khoản 1 là vẫn trong khung hình phạt.
Còn mức hình phạt ở khoản 2 là từ 5 đến 10 năm tù. Nếu thực sự bị cáo phạm tội, có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì tuyên mức hình phạt 5 năm tù vẫn trong khung hình phạt giống như nội dung bản án sơ thẩm đã tuyên.
Đối với các tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo và có thành tích xuất sắc, đây là tình tiết giảm nhẹ hoàn toàn có thể áp dụng ở cấp phúc thẩm nếu như bị cáo có tội.
Nhưng việc quyết định hình phạt không chỉ căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ mà còn căn cứ vào quy định của pháp luật, trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội.
Trong khi đó, về đường lối giải quyết vụ án hình sự, những bị cáo không thành khẩn khai báo, ngoan cố, chống đối, không nhận thức được hành vi của mình mà có tội, phải tuyên mức hình phạt nghiêm khắc để bị cáo có thời gian cải tạo tương xứng. Còn đối với bị cáo nhận thức được hành vi phạm tội của mình, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải sẽ được khoan hồng.
Từ phân tích trên, vị chuyên gia cho rằng, trong phiên tòa phúc thẩm mặc dù bị cáo vẫn kêu oan, viện kiểm sát đề nghị hủy án nhưng tòa lại xét xử theo hướng có tội và giảm nhẹ là việc "hiếm gặp".
Biết con dâu vi phạm luật giao thông đường bộ, thay vì chấp hành thì người mẹ chồng lại có hành vi chống đối, ngăn cản Tổ công tác của Đội CSGT Công an huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đang làm nhiệm vụ. Dù bị khống chế nhưng người này vẫn văng nhiều từ ngữ dung tục, khó nghe.
Do đòi tiền phí, người giao hàng bị vợ chồng người nhận hàng sử dụng hung khí là tuýp sắt, bình hoa, ghế… đánh gãy hai tay. Chuyên gia pháp lý cho biết, vụ việc này đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Chuyên gia pháp lý nhận định, đây là một vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, thể hiện thái độ coi thường pháp luật, xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của người khác.
Hoạt động hành nghề mê tín dị đoan gây ra nhiều hệ lụy, tiêu cực cho xã hội khiến nhiều người tan cửa, nát nhà, gia đình ly tán. Do vậy, việc đấu tranh với các hoạt động mê tín dị đoan đồng bóng, bói toán là cần thiết để xã hội văn minh hơn, phát triển lành mạnh hơn