Vụ hai thanh niên đi xe máy SH đánh người trên đường vành đai 2, HN: Nếu hành vi "gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội" thì sẽ khởi tố vụ án hình sự
Theo xác minh ban đầu, vụ việc xảy ra khoảng 16h ngày 25-2. Lúc này N.P.T.A. (sinh năm 1996, trú tại Long Biên, Hà Nội) đi ô tô ở đường vành đai 2 trên cao hướng cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở.
Hình ảnh 2 nam thanh niên tiếp cận chiếc VinFast Fadil trước khi đánh người - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Khi đi đến đoạn phía trên cầu Mai Động, A. bị xe SH màu da cam do Trần Văn Hiệp (sinh năm 1986, trú tại quận Hai Bà Trưng) lái chở Trịnh Thịnh (sinh năm 1980) lạng lách tạt đầu xe A..
Sau đó 2 người này đập vào xe của A. rồi chửi bới. Tiếp đó Hiệp và Thịnh tiếp tục chạy trên đường vành đai 2 trên cao và gây gổ với hai nam thanh niên trong xe ô tô màu trắng.
Tại cơ quan công an, hai người này khai nhận nguyên nhân là trước đó va chạm với ô tô của A.. Cơ quan chức năng đang tiếp tục xác minh vụ việc.
Đường vành đai 2 trên cao nối từ cầu Vĩnh Tuy tới Ngã Tư Sở, tốc độ cho phép 80km/h. Tuyến đường này chỉ dành cho ô tô, cấm xe máy, xe thô sơ và người đi bộ.
Hai nam thanh niên tại cơ quan công an - Ảnh: H.Q.
Theo dõi vụ việc trên Ts. Ls. Đặng Văn Cường, trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng: Sự việc diễn ra qua clip cho thấy hành vi của hai người đàn ông đi trên xe mô tô SH chửi bới đánh người trên đường trên cao đường vành đai hai Hà Nội là hành vi vi phạm pháp luật, có tính chất côn đồ, hung hãn, thể hiện ý thức coi thường pháp luật gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đây là hành vi vi phạm pháp luật: cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng. Bởi vậy việc cơ quan chức năng tạm giữ hai đối tượng này để xem xét làm rõ xử lý theo quy định của pháp luật là cần thiết, có căn cứ. Nếu hành vi được xác định là "gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội" thì sẽ khởi tố vụ án hình sự.
Nội dung clip thể hiện hai người đàn ông này điều khiển xe mô tô SH không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng trên đường dành riêng cho xe ô tô thể hiện ý thức coi thường luật lệ an toàn giao thông, nghiêm trọng hơn là hai người này đã dùng xe mô tô SH chặn đầu xe ô tô lại rồi xông vào hành hung hai người trên xe ô tô dẫn đến hai bên xô sát. Khi clip được đăng tải trên không gian mạng thì rất nhiều người bình luận thể hiện nội dung bức xúc phẫn nộ về hành vi của hai người đàn ông này. Hành vi này diễn ra ngay sau khi hàng loạt vụ việc đánh người tham gia giao thông khiến dư luận lại càng bức xúc phẫn nộ hơn.
Sau khi sự việc xảy ra thì cơ quan điều tra đã vào cuộc xác minh và đã triệu tập được hai người đàn ông này đến để làm việc. Tại cơ quan điều tra, hai người đàn ông này cho rằng do có người chửi bới, nhổ nước bọt vào người họ và quay clip nên mới có hành động như vậy. Đây là lời khai một phía của hai người đàn ông này, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ nguyên nhân sự việc, thái độ và diễn biến hành vi của các bên, đánh giá hậu quả đã gây ra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Nếu lời khai của những người này là đúng sự thật thì những người chửi bới, nhổ nước bọt vào hai người đàn ông này có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, hành vi của hai người đàn ông này là không thể chấp nhận được, có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Khi thấy hành vi vi phạm giao thông thì bất kỳ ai cũng có quyền ghi hình để làm chứng cứ tố cáo với cơ quan chức năng cũng như để bảo vệ bản thân mình. Việc người tham gia giao thông khác ghi hình và có lời lẽ khó nghe đối với người vi phạm giao thông là điều dễ hiểu, không phải vì thế mà hành hung lại những người đang tham gia giao thông.
Dù nguyên nhân mâu thuẫn giữa các bên hoặc nguyên nhân nào chăng nữa thì hành vi dùng xe mô tô SH chặn xe ô tô giữa đường dành riêng cho xe ô tô để đánh người đi xe ô tô là hành vi không thể chấp nhận được, thể hiện ý thức coi thường pháp luật, hành vi có tính chất côn đồ.
Sự việc cho thấy có rất nhiều điều bất lợi cho hai người đi xe mô tô này: Thái độ, hành vi, nơi xảy ra sự việc là những yếu tố khiến cho hai người đàn ông đi trên xe mô tô SH này không thể biện minh về hành vi của mình. Những người này có nhiều hành vi vi phạm pháp luật đồng thời như vi phạm luật giao thông đường bộ về việc đi xe vào đường cấm, không đội mũ bảo hiểm, đánh võng trên đường và gây mất an ninh trật tự, cố ý gây thương tích cho người khác và gây rối trật tự công cộng. Về nguyên tắc thì mỗi hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý một lần, nếu hành vi nào thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý hình sự về tội danh tương ứng. Hành vi nào không đủ căn cứ xử lý hình sự thì có thể là tình tiết định khung, tình tiết tăng nặng trong tội danh đã bị khởi tố hoặc sẽ xử lý bằng các biện pháp hành chính (với những hành vi không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm).
Cơ quan công an làm việc với H. và T.
Cơ quan chức năng sẽ làm rõ từng lỗi vi phạm của hai người đàn ông này, đánh giá tính chất nguy hiểm của hành vi, xác định hậu quả xảy ra để xử lý theo quy định của pháp luật. Các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý bằng chế tài hình sự hoặc chế tài hành chính phụ thuộc vào tính chất nguy hiểm của hành vi và hậu quả đã gây ra đối với xã hội.
Trong trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy hai người đàn ông này đã gây ra thương tích cho nạn nhân hoặc gây thiệt hại đến tài sản của người khác từ 2.000.000 đồng trở lên thì hai người này sẽ bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 bộ luật hình sự hoặc tội cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại điều 178 bộ luật hình sự. Trong trường hợp này hành vi được xác định là có tính chất côn đồ, đây là tình tiết làm tăng tính chất nguy hiểm của hành vi, đồng thời cũng là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp không đủ căn cứ để xử lý về tội cố ý gây thương tích và tội cố ý làm hư hỏng tài sản do không xác định được nạn nhân hoặc thiệt hại chưa đến mức xử lý hình sự, nạn nhân không có yêu cầu xử lý thì vẫn có thể xem xét xử lý về tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 BLHS nếu hậu quả được xác định là "gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội".
Hậu quả có đến mức được xác định là "gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội" hay không sẽ phụ thuộc vào dư luận xã hội, căn cứ vào diễn biến hành vi, hậu quả gây ra đối với các nạn nhân và xã hội, ý kiến của chính quyền địa phương, cơ quan đoàn thể và tình hình an ninh trật tự ở địa phương để đánh giá. Đây là tình tiết về hậu quả có tính chất "định tính" nhưng lại quyết định đến việc có xử lý hình sự đối với hai người này hay không. Bởi vậy, nhìn nhận ở khía cạnh pháp lý thì hai người đàn ông này hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự nếu như dư luận xã hội lên án mạnh mẽ, chính quyền địa phương yêu cầu xử lý nghiêm minh và sự việc gây ra dư luận xấu trong xã hội.
Trần Văn Hiệp và Trịnh Thịnh tại cơ quan chức năng
Trường hợp hành vi gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hành vi có phá phách hoặc gây cản trở giao thông nghiêm trọng thì người thực hiện hành vi này phải đối mặt với hình phạt từ 02 năm đến 07 năm tù. Cụ thể tội danh và hình phạt được bộ luật hình sự quy định như sau:
"Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng
1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối;
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
e) Tái phạm nguy hiểm.".
TS. LS Đặng Văn Cường, Trưởng VPLS Chính Pháp
Như vậy, hành vi của hai người đàn ông đi trên xe mô tô SH rõ ràng là sai trái và gây bức xúc trong dư luận xã hội, cơ quan chức năng có thể tạm giữ hai người này để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Thời gian qua xảy ra liên tục các vụ việc hành hung người tham gia giao thông gây bức xúc trong dư luận xã hội, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, bởi vậy việc xử lý đối với các hành vi này cần phải thận trọng, triệt để, nghiêm minh, đúng pháp luật để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội, là bài học giáo dục cho những người có ý thức coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác, sẵn sàng sử dụng "cơ bắp" để giải quyết mâu thuẫn.
Pháp luật quy định về phòng vệ, tự vệ như thế nào ?
Đối với hai người đàn ông đi trên xe ô tô con màu trắng: với đoạn clip ngắn thì chưa thấy được nguyên nhân sự việc, chưa thấy lời qua tiếng lại cũng như màu thuận giữa các bên. Tuy nhiên qua nội dung clip cho thấy hai người trên xe ô tô cũng bức xúc vì hành vi coi thường pháp luật của hai người trên xe mô tô SH nên ngay khi hai người đi xe mô tô chặn đầu xe và giật cửa thì hai người này cũng xuống xe và xông vào ẩu đả với hai người đàn ông đi xe mô tô.
Qua các clip trên không gian mạng cho thấy hành động của hai người trên xe ô tô được dư luận xã hội ủng hộ, nhiều người "hài lòng" vì cho rằng đã dạy cho hai người đi xe mô tô một bài học. Để xác định hành vi này có chuẩn mực hay không, có phù hợp với pháp luật hay không thì cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, diễn biến hành vi, thái độ nhận thức và đặc biệt là làm rõ hậu quả của sự việc này.
Đánh giá ở khía cạnh pháp lý thì pháp luật Việt Nam nghiêm cấm việc đánh nhau nơi công cộng hoặc hành vi đánh người nơi công cộng. Pháp luật chỉ cho phép công dân có quyền phòng vệ, tự vệ khi có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc xảy ra. Việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề nơi công cộng phải thuộc trường hợp pháp luật cho phép và đòi hỏi phải hết sức thận trọng, tỉnh táo, kiềm chế cảm xúc.
Nếu là hành vi đánh người hoặc đánh nhau nơi công cộng (cả hai bên đều muốn gây thiệt hại đến tính mạng sức khỏe của nhau) thì đó là những hành vi vi phạm pháp luật tất cả các bên đều bị xử lý. Tuy nhiên, pháp luật cũng cho phép công dân được sử dụng vũ lực trong một số trường hợp như: bắt giữ người phạm tội quả tang, bắt giữ người đang bị truy nã, phòng vệ chính đáng, tự vệ... Theo đó, nếu bản thân mình hoặc những người khác bị tấn công, bị đe dọa đến tính mạng sức khỏe thì pháp luật cho phép mọi công dân đều có quyền dùng vũ lực để chống trả lại một cách cần thiết, ở mức độ triệt tiêu vũ lực của đối phương. Điều kiện được xác định là phòng vệ chính đáng phải là hành vi dùng vũ lực của người khác đang diễn ra, nếu không chống trả lại thì sẽ bị thiệt hại phải gặp nguy hiểm. Hành vi chống trả lại phải ở mức độ cần thiết nhằm triệt tiêu vũ lực của đối phương, để bảo vệ tính mạng sức khỏe tài sản của mình và của người khác. Nếu hành vi chống trả lại rõ ràng quá mức cần thiết thì người thực hiện hành vi sẽ phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vượt quá của mình.
Bởi vậy, trong vụ việc này cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của cả hai bên, xác định ý chí chủ quan của các bên và đánh giá hậu quả đã gây ra để xác định hành vi này là phòng vệ chính đáng hay là đánh nhau nơi công cộng do bức xúc với nhau. Nếu là hành vi đánh nhau thì cả hai bên đều sai và đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Còn trường hợp hành vi là phòng vệ chính đáng thì hai người trên xe ô tô vô can, được xác định là người bị hại.
Cụ thể Bộ luật hình sự quy định về phòng vệ chính đáng như sau:
"Điều 22. Phòng vệ chính đáng
1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.".
Lời khuyên dành cho những người tham gia giao thông khi bị đe dọa tấn công
Thời gian qua liên tục xảy ra các vụ việc người tham gia giao thông bị đối tượng côn đồ hung hãn, hành hung đánh người ngay trên đường giao thông. Bởi vậy để bảo vệ bản thân mình, bảo vệ tài sản của mình hoặc tính mạng sức khỏe tài sản của người khác thì mọi người cần phải hết sức bình tĩnh xác định tình huống đã đến mức phải sử dụng vũ lực hay chưa và kiểm soát việc sử dụng vũ lực sao cho chỉ để chống trả ở mức độ cần thiết nhằm tránh thiệt hại cho bản thân mình và cho người khác.
Trường hợp có những tình huống va chạm giao thông thì cần phải bình tĩnh giải thích và giữ một khoảng cách với đối phương để tránh trường hợp đối tượng bất ngờ tấn công, gây thương tích cho bản thân mình. Trường hợp đối tượng hung hãn, có hung khí thì không nên đối mặt, cần đóng cửa phải chốt cửa xe và gọi người cứu giúp hoặc gọi cảnh sát 113. Khi không thể giải quyết được bằng việc giải thích, đối tượng thực hiện hành vi có tính chất côn đồ thì tránh né, bỏ chạy, cố thủ trong xe ô tô, chống trả lại một cách cần thiết đều là những hành vi nên làm trong những tình huống bị tấn công đe dọa trên đường để tránh gây tổn thương cho bản thân mình và người khác. Chỉ khi nào có khả năng và không thể bỏ chạy, không thể tránh né thì mới sử dụng vũ lực để chống trả lại một cách cần thiết đối với hành vi của người khác đang tấn công bản thân mình hoặc tấn công người xung quanh. Phòng vệ chính đáng được pháp luật thừa nhận và bảo vệ nhưng nếu phòng vệ không chính đáng hoặc quá mức cần thiết thì người thực hiện hành vi phòng vệ sai trái sẽ bị xử lý.
Ngoài ra thì việc ghi hình phải chụp ảnh, lưu lại những thông tin về hành vi vi phạm pháp luật trên giao thông đường bộ, đường sắt. Lưu lại các chứng cứ bằng chứng về hành vi đe dọa đánh người nơi công cộng cũng là những việc làm cần thiết quan trọng để chứng minh hành vi vi phạm pháp luật, làm căn cứ cho cơ quan chức năng sớm vào cuộc xem xét xử lý đối với đối tượng vi phạm.
Để giảm thiểu những vụ việc va chạm giao thông dẫn đến án mạng xảy ra, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội thì cần phải nâng cao nhận thức ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, tăng cường giáo dục đạo đức văn hóa cho mọi người, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là hành vi có tính chất côn đồ, đánh người khi tham gia giao thông.
_____________________________________
Ts. Ls. Đặng Văn Cường
Điện thoại/Zalo: 0977999896