Logo

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP

Ông Nguyễn Cao Trí bị khởi tố, điều tra liên quan đến số tiền rất lớn của bà Trương Mỹ Lan
05/08/2023
icon-zalo

Ông Nguyễn Cao Trí bị bắt, bị điều tra với số tiền nghi chiếm đoạt đặc biệt lớn của bà Trương Mỹ Lan 

Ông Nguyễn Cao Trí là gương mặt quen thuộc trong giới đại gia Sài Gòn, nổi bật với hệ sinh thái Capella Holdings, kinh doanh đa ngành trên nhiều lĩnh vực như bất động sản, ẩm thực, giải trí, giáo dục…

Trong lĩnh vực ẩm thực, giải trí, Capella Holdings sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng như: Chill Skybar, Trung tâm Hội nghị  - Tiệc cưới Chloe Gallery, Riverside Palace, Capella Park View, Capella Gallery Hall, Claris Palace.

 

Chiều 5/8, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ, đại diện Bộ Công an đã trả lời câu hỏi của phóng viên về việc xử lý đối với bị can Nguyễn Cao Trí - người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc của Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh.

Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an thông tin, ngày 15/1, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Cao Trí (SN 1970) về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4, điều 175 BLHS. 

 
Trung tướng Tô Ân Xô - Ảnh: DANH KHANG

Trung tướng Tô Ân Xô - Ảnh: DANH KHANG

Báo cáo của Cơ quan cảnh sát điều tra, trong quá trình mở rộng điều tra vụ án tại công ty cổ phần An Đông hay còn gọi là vụ án Vạn Thịnh Phát, Cơ quan điều tra phát hiện Trương Mỹ Lan có quan hệ làm ăn, đầu tư với Nguyễn Cao Trí. 

Những việc nhạy cảm khi điều tra hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát
Bà Trương Mỹ Lan
 

Trương Mỹ Lan đã chuyển cho Trí số tiền hơn 40 triệu USD để mua bán dự án, kinh doanh. Khi Lan bị bắt, Trí đã nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền Lan đã chuyển cho Trí. Nguyễn Cao Trí đã chỉ đạo một số nhân viên tiêu hủy giấy tờ, chứng cứ việc Lan chuyển tiền cho Trí với mục đích chiếm đoạt toàn bộ số tiền kể trên.
Tại Cơ quan điều tra, Trí đã nhận tội và sẽ phải nộp lại số tiền đã chiếm đoạt. Cơ quan điều tra đã kê biên, phong tỏa tài sản của Trí để đảm bảo thu hồi tài sản trong vụ án.
 
Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh, qua vụ án này, Bộ Công an cảnh báo, pháp luật sẽ xử lý nghiêm khắc những ai dùng thủ đoạn để chiếm đoạt tiền, tài sản mà họ đã được đối tác chuyển giao nhưng khi đối tác vướng vòng lao lý thì tìm cách chiếm đoạt…
 
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường
 
 
Phân tích về sự việc này, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết: Theo thông tin từ phía cơ quan điều tra thì ông Nguyễn Cao Trí được xác định là đã có hành vi gian dối để chiếm đoạt số tiền tới 40.000.000 đô la Mỹ của bà Trương Mỹ Lan. Hành vi thủ đoạn gian dối thể hiện là tiêu hủy giấy tờ tài liệu chứng minh có việc nhận tiền nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả lại số tiền này cho bà Chương Mỹ Lan và doanh nghiệp của bà Lan. Hành vi gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản xuất hiện sau khi đã nhận được tài sản thông qua một giao dịch hợp pháp nên hành vi này có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 bộ luật hình sự. 

Bắt ông Nguyễn Cao Trí liên quan vụ chiếm đoạt 40 triệu USD của bà Trương Mỹ Lan
 
Ông Nguyễn Cao Trí

Theo quy định của pháp luật thì người nào nhận tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng trở lên thông qua giao dịch dân sự hợp pháp, sau đó gian dối hoặc bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản hoặc đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ trả lại tài sản nhưng cố tình không trả lại tài sản thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với mức hình phạt cao nhất của tội danh này có thể tới 20 năm tù. Cụ thể tội danh và hình phạt được bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:
 
Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Ảnh: TL
 

Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: 

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; 

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đều có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, nếu hành vi gian dối có trước, sau đó mới nhận được tài sản của nạn nhân và chiếm đoạt thì sẽ bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS. Còn nếu trường hợp nhận tài sản thông qua một giao dịch hợp pháp rồi mới gian dối để chiếm đoạt thì người thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trong tình huống sẽ bị xử lý hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 BLHS. Theo quy định của bộ luật hình sự thì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tính chất nguy hiểm hơn hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì số tiền từ 2.000.000 đồng trở lên có thể xử lý hình sự, còn với tôi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì số tiền chiếm đoạt phải từ 4.000.000 đồng trở lên, ngoài ra mức hình phạt của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng nghiêm khắc hơn mức hình phạt của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nếu là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì hình phạt cao nhất là tù chung thân, còn với hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì hình phạt cao nhất chỉ tới 20 năm tù.
 
Theo đó, khoản 4, Điều 175 bộ luật hình sự quy định hành vi gian dối để chiếm đoạt số tiền từ 500.000.000 đồng trở lên thì người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. 

Bộ Công an: Bắt ông Nguyễn Cao Trí vì chiếm đoạt 40 triệu USD của bà Trương Mỹ Lan - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Cao Trí

 
Theo cáo buộc của cơ quan điều tra (C03) bộ công an thì ông Nguyễn Cao Trí đã Nhận số tiền 40.000.000 đô la Mỹ của bà Chương Mỹ Lan để thực hiện hoạt động mua bán, chuyển nhượng dự án. Việc giao nhận tiền này là hợp pháp, là quan hệ dân sự kinh tế. Tuy nhiên, khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt thì ông Nguyễn Cao Trí đã có hành vi tiêu hủy các giấy tờ chứng từ giao nhận tiền để muốn chiếm đoạt số tiền này. Cơ quan điều tra xác định ông Trí đã có hành vi gian dối chiếm đoạt số tiền đến 40.000.000 USD của bà Chương Mỹ Lan, đây là số tiền đặc biệt lớn nên nếu trường hợp bị kết tội thì ông Nguyễn Cao Trí sẽ phải đối mặt với hình phạt rất nghiêm khắc của tội danh này, có thể tới 20 năm tù. 
 
Theo thông tin từ phía cơ quan điều tra thì ông Nguyễn Cao Trí sẽ phải nộp lại toàn bộ số tiền này để khắc phục hậu quả, cơ quan điều tra đã tiến hành kê biên, phong tỏa nhiều tài sản của Nguyễn Cao Trí để đảm bảo thi hành án.
 
Nếu trong quá trình điều tra vụ án này ông Trí thành khẩn khai báo và động viên gia đình tự nguyện khắc phục hậu quả đây là tình tiết đáng chú ý, trường hợp bị kết tội thì đây là tình tiết giảm nhẹ một phần đáng kể trách nhiệm hình sự vì hậu quả đã được khắc phục và bị can thành khẩn khai báo, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả. 
 
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguồn gốc số tiền 40.000.000 đô la Mỹ này là từ đâu, có phải là tài sản do phạm tội mà có của bà Chương Mỹ Lan và các đồng phạm hay không để xác định trách nhiệm dân sự đối với số tiền này.
 
Trong trường hợp số tiền này có nguồn gốc do phạm tội mà có thì khi ông Nguyễn Cao Trí hoặc gia đình nộp lại số tiền này thì cơ quan điều tra sẽ thu giữ để nộp vào ngân sách nhà nước theo nguyên tắc xử lý vật chứng trong vụ án hình sự quy định tại Điều 106 bộ luật tố tụng hình sự.
 
Trường hợp bị can và gia đình bị can không khắc phục hậu quả thì cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ niêm phong, kê biên, phong tỏa tài sản của bị can. Trường hợp có đủ căn cứ để kết tội thì những tài sản này sẽ được xử lý trong quá trình thi hành án theo nguyên tắc xử lý vật chứng trong vụ án hình sự.

Trường hợp kết quả điều tra cho thấy nguồn gốc số tiền này là hợp pháp, thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bà Trương Mỹ Lan hoặc của doanh nghiệp thì sau khi ông Nguyễn Cao Trí nộp lại số tiền này, cơ quan điều tra có thể trả lại số tiền này cho người bị hại, trừ trường hợp số tiền này được giữ lại để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của chủ sở hữu khoản tiền này vì có liên quan đến vụ án hình sự. 
 
Ngoài ra, để buộc tội ông Nguyễn cao Trí thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ làm rõ việc giao nhận số tiền 40.000.000 đô la Mỹ này được thực hiện như thế nào, thông qua các giấy tờ, chứng từ nào. Thông thường trong các giao dịch dân sự, kinh tế mà giao dịch số tiền lớn như vậy thì sẽ thông qua ngân hàng, và các giấy tờ chứng từ, kế hoạch kinh doanh của hai doanh nghiệp sẽ thể hiện rất rõ và chi tiết. Hoạt động kinh doanh này sẽ có nhiều người cùng tham gia, biết rõ về sự việc này. Bởi vậy, nếu nếu một bên đơn phương hủy bỏ hợp đồng, giấy tờ chứng từ về giao dịch thì thông tin giao dịch vẫn còn lưu giữ thể hiện qua hệ thống tài liệu của đối tác và việc giao nhận tiền vẫn có thể được chứng minh qua sao kê ngân hàng. Trong thực tiễn không ít trường hợp một người bị bắt thì những người nợ tiền họ có ý định trốn tránh trách nhiệm trả nợ, thậm chí lợi dụng đó để chiếm đoạt tài sản bằng nhiều phương thức thủ đoạn khác. Tuy nhiên, với các doanh nhân, các giao dịch thông qua ngân hàng, các quan hệ dân sự kinh tế lớn rất có nhiều người chứng kiến, cùng tham gia, hồ sơ có lưu trữ ở doanh nghiệp nên rất khó có thể chiếm đoạt được tài sản của người đang bị tạm giam. Ông Nguyễn Cao Trí cũng là doanh nhân, là đại gia trong kinh doanh, vậy tại sao lại có suy nghĩ và hành động như vậy? nếu là giao dịch tiền mặt, hợp đồng, chứng từ một bên giữ thì việc tiêu hủy giấy tờ mới có thể che giấu được giao dịch, trốn tránh được nghĩa vụ trả lại tài sản... Hiện nay vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra, những thông tin mà cơ quan điều tra công khai chỉ là một phần kết quả điều tra. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ hành vi của bị can, xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, làm rõ mặt khách quan, mặt chủ quan của tội phạm để xác định nguyên nhân động cơ phạm tội, xác định làm rõ hành vi phạm tội, bản chất của sự việc làm cơ sở giải quyết theo quy định của pháp luật. 
 
_____________________________________
Ts. Ls. Đặng Văn Cường
Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội.
Địa chỉ: 65B phố Tôn Đức Thắng, phường Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại/Zalo: 0977999896 - 02437327407

 

Ảnh 01
Ảnh 02
Ảnh 03

Gọi trực tiếp gặp Luật sư tư vấn hoặc để lại yêu cầu của Quý khách

Tất cả thông tin Quý khách cung cấp, đều được bảo mật tuyệt đối bởi đội ngũ nhân sự Văn phòng luật sư Chính Pháp

Gọi trực tiếp gặp Luật sư 0977 999 896