Vai trò của luật sư – người bào chữa trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Trên cơ sở các quyền, nghĩa vụ mà pháp luật quy định và thông qua hoạt động bào chữa của mình, luật sư có vai trò rất quan trọng trong xét xử vụ án nói chung và trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự nói riêng. Cụ thể như sau:
1. Góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án, giúp giải quyết vụ án một cách nhanh chóng, chính xác, đúng pháp luật; làm minh bạch hoá hoạt động tố tụng
Trong quá trình tham gia bào chữa, luật sư thực hiện các hoạt động thu thập thông tin liên, tài liệu có liên quan đến vụ án thông qua việc tiếp xúc với bị cáo, những người có liên quan… Qua đó, luật sư nắm được các tình tiết khách quan của vụ án như: bị cáo có thực hiện hành vi vi phạm pháp luật không, hành vi đó có dấu hiệu cấu thành tội phạm không, nếu có thì cấu thành tội gì; động cơ, mục đích của hành vi phạm tội; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo… Trên cơ sở đó, luật sư đưa ra các ý kiến đề xuất đối với các CQTHTT và người THTT nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Luật sư đưa ra quan điểm của mình về việc giải quyết vụ án liên quan đến việc xác định tội danh và quyết định hình phạt đối với bị cáo, giúp cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, chính xác, tránh làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm… Trong thực tiễn hoạt động xét xử các vụ án hình sự ở nước ta, có nhiều vụ án mặc dù tại bản kết luận điều tra của CQĐT và cáo trạng của VKS đã kết luận cụ thể, rõ ràng về việc bị can đã thực hiện hành vi phạm tội, cần phải xét xử theo tội danh và hình phạt theo quy định của pháp luật, tuy nhiên tại phiên toà, trên cơ sở phân tích, lập luận của luật sư bào chữa mà HĐXX đã quyết định xét xử theo tội danh khác có khung hình phạt nhẹ hơn hoặc tuyên bố bị cáo không phạm tội, đình chỉ giải quyết vụ án… Có thực tế này một phần là do luật sư đã đưa ra được các lập luận sắc bén, có căn cứ và phù hợp với thực tế khách quan của vụ án.
Khi tham gia bào chữa ở giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, luật sư không chỉ có vai trò trong việc góp phần tìm ra sự thật khách quan của vụ án, giúp việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, chính xác mà luật sư còn có vai trò trong việc giám sát hoạt động của các CQTHTT và người THTT, qua đó làm cho hoạt động của các CQTHTT và người THTT được thực hiện một cách đúng pháp luật, tránh được việc lạm quyền trong hoạt động giải quyết vụ án. Thực tiễn cũng chỉ ra rằng, những vụ án không được giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục được pháp luật quy định thì thường dẫn tới oan, sai. Do vậy vấn đề đặt ra là cần phải tuân thủ đúng pháp luật trong suốt quá trình giải quyết vụ án và việc có sự tham gia của luật sư bào chữa cũng sẽ góp phần làm cho việc giải quyết vụ án được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
2. Góp phần bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý, bảo vệ chế độ
Hoạt động nghề nghiệp của luật sư góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Quyền con người là quyền được pháp luật ghi nhận và bảo đảm thực hiện thông qua nhiều thiết chế khác nhau, trong đó tổ chức luật sư là một tổ chức xã hội nghề nghiệp được thành lập để hỗ trợ Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động tư pháp. Thông qua hoạt động của mình, các luật sư đã góp phần tích cực vào việc bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý và bảo vệ chế độ.
Do trình độ dân trí của nước ta còn thấp, một bộ phận người dân chưa am hiểu pháp luật, đặc biệt là khi bị tạm giam giữ để điều tra, truy tố, xét xử... họ không biết được quyền và nghĩa vụ của mình được pháp luật quy định như thế nào nên không thể tự bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình. Ngoài ra, với vị thế, tâm lý của người bị bắt, bị tạm giam, tạm giữ, bị can, bị cáo đôi khi không dám tự bào chữa, tự bày tỏ quan điểm, thái độ của mình đối với vụ việc mà mình đang bị truy cứu TNHS. Bên cạnh đó trình độ năng lực, nghiệp vụ của nhiều người THTT còn hạn chế hoặc có nhiều người cố tình làm trái các quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hình sự làm cho công lý không được thực hiện, đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến oan sai. Do đó luật sư là người trợ giúp pháp lý đặc biệt quan trọng đối với bị can, bị cáo, góp phần bảo đảm các quyền con người, đảm bảo cho công lý được thực hiện trong thực tế.
Đối với những người bị cáo buộc phạm tội, pháp luật bảo vệ họ thông qua việc bảo đảm cho họ có quyền được xét xử theo đúng quy định của pháp luật, được quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa, được hưởng các tình tiết giảm nhẹ, khoan hồng theo chính sách chung của pháp luật… Khi một người bị đưa ra xét xử là lúc họ có thể không tự bảo vệ được các quyền, lợi ích hợp pháp của mình, họ cần có sự trợ giúp pháp lý từ người bào chữa, trong đó có luật sư. Trên cơ sở các quyền mà pháp luật cho phép, luật sư thực hiện các hoạt động nhằm thu thập các thông tin, tài liệu, làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, bảo vệ được các quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo, minh oan cho người vô tội hoặc làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với người phạm tội. Thực tế cho thấy, ở những vụ án hình sự có sự tham gia của luật sư, đặc biệt là ở giai đoạn điều tra thì quyền lợi của người bị buộc tội sẽ được bảo đảm hơn, như họ được thực hiện các quyền mà pháp luật tố tụng hình sự quy định cho họ như quyền bào chữa, quyền được đối xử phù hợp với quy định của pháp luật; khả năng họ bị bức cung, dùng nhục hình… sẽ thấp hơn đối với những vụ án không có luật sư tham gia. Theo nguyên tắc pháp luật thì một người chỉ bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi họ đã có bản án kết tội của toà án có hiệu lực pháp luật, và do vậy, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các CQTHTT cần tạo điều kiện cho họ thực hiện được các quyền mà pháp luật quy định và sự tham gia của luật sư là một trong những bảo đảm quan trọng cho những quyền đó của họ được thực hiện trong thực tế.
3. Góp phần giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật trong xã hội, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và chủ động tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động tư pháp
Thông qua hoạt động bào chữa của mình, luật sư góp phần giáo dục và nâng cao ý thức pháp luật trong xã hội, từ đó làm cho người dân có ý thức tuân thủ pháp luật, chủ động tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Trong quá trình tham gia tố tụng, trợ giúp pháp lý thì luật sư tuyên truyền, giải thích những quy định của pháp luật cho bị can, bị cáo để họ hiểu được những điều pháp luật cấm, pháp luật cho phép, thấy được những sai trái của hành vi mà họ đã thực hiện để từ đó có thái độ ăn năn, hối cải nhằm được hưởng sự khoan hồng của pháp luật và góp phần vào việc củng cố tâm lý, niềm tin cho người bị kết án trong thời gian thi hành án để họ yên tâm cải tạo, sớm trở về với đời sống xã hội. Đối với những người bị bắt, bị giam giữ oan do họ không thực hiện hành vi hoặc hành vi của họ không cấu thành tội phạm thì luật sư giải thích cho họ các quy định của pháp luật để họ có thể tự bào chữa cho mình, giúp các CQTHTT có thể nhanh chóng làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, giúp cho vụ án được giải quyết nhanh chóng, chính xác, đúng pháp luật. Một người không thể tự bào chữa cho mình nếu họ không hiểu các quy định của pháp luật có liên quan, do vậy, luật sư có vai trò quan trọng trong việc giáo dục, tuyên truyền cho họ các quy định của pháp luật. Hoạt động bào chữa của luật sư không chỉ có tác dụng tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho bị can, bị cáo mà còn có tác dụng đối với cả những người là thân nhân của họ, những người quan tâm đến vụ án. Với sự góp sức của luật sư, một bản án được tuyên đúng người, đúng tội, đúng pháp luật chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình cao trong dư luận xã hội, từ đó sẽ có tác dụng to lớn trong việc giáo dục mọi người ý thức tuân thủ pháp luật, tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm.
Như vậy, có thể thấy khi tham gia bào chữa cho bị can, bị cáo, luật sư không chỉ bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của người được bào chữa mà còn góp phần giúp các cơ quan THTT thực hiện việc giải quyết vụ án theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định, bảo vệ pháp chế XHCN. Hoạt động bào chữa của luật sư không những đảm bảo cho bị can, bị cáo không bị buộc tội oan hoặc bị chịu hình phạt nghiêm khắc quá so với tính chất, hành vi phạm tội của mình mà còn có ý nghĩa trong việc giám sát đối với hoạt động của các CQTHTT và người THTT. Sự tham gia tố tụng của luật sư cũng giúp cho các quyết định tố tụng của các CQTHTT và người THTT được chính xác, đúng quy định, góp phần giải quyết vụ án được nhanh chóng, công minh, khách quan, bảo vệ được các quyền con người, bảo vệ công lý, bảo vệ chế độ, giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật trong xã hội, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và chủ động tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Luật sư Đặng Văn Cường/Văn phòng luật sư Chính Pháp, Hà Nội