(Pháp lý) – Tiếp tục hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình, hoàn thiện chính sách hình sự liên quan đến người chưa thành niên phạm tội, bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân, bổ sung một số tội mới phát sinh… là những chế định quan trọng dự kiến sẽ được đưa ra trong sửa đổi Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành.
BLHS 1999 được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 21/12/1999, có hiệu lực từ 1/7/2000 và đã qua sửa đổi năm 2009. Từ đó đến nay, BLHS đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đấu tranh phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, trong tình hình tội phạm ngày càng phức tạp, trong đó đáng lưu ý là BLHS 1999 chưa thể chế hóa được đầy đủ những quan điểm, chủ trương mới của Đảng về cải cách tư pháp, cũng như Hiến pháp mới sửa đổi, bổ sung năm 2013 với sự phát triển, bổ sung và đề cao quyền con người, quyền cơ bản của công dân… Thực tế này đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện các quy định của BLHS hiện hành…
Giảm hình phạt tử hình
Báo cáo về những định hướng sửa đổi BLHS, ông Nguyễn Văn Hoàn – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết: Một trong những nội dung lớn là hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình. Theo ông Hoàn, hiện nay mặc dù đã có những bước đổi mới cơ bản song BLHS hiện hành vẫn còn 22 điều luật quy định hình phạt tử hình.
Một số chế định của Bộ luật Hình sự hiện hành đã bộc lộ bất cập
Theo ông Hoàn, trong điều kiện hiện nay thì chỉ nên áp dụng hình phạt tử hình đối với một số ít các tội phạm thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng như khủng bố, giết người, cướp của mà làm chết người… còn đối với các loại tội phạm khác thì mức hình phạt cao nhất là chung thân cũng là thích đáng. Để thực hiện chủ trương giảm hình phạt tử hình, theo ông Hoàn, thì một mặt cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Điều 35 của BLHS nhằm xác định rõ tiêu chí áp dụng hình phạt tử hình theo hướng hình phạt này chỉ được áp dụng đối với người phạm một số ít các tội đặc biệt nghiêm trọng có tính chất dã man, tàn bạo, mất nhân tính hoặc việc phạm tội cũng như người phạm tội là mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, mặt khác đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội phạm cụ thể.
Đồng quan điểm, GS.TSKH Lê Cảm, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, với trên 20 điều luật hiện nay có quy định hình phạt tử hình là nhiều: “Nên rút xuống chỉ còn 5 cấu thành có hình phạt tử hình (ví dụ: ma túy, giết người có tình tiết tăng nặng, tham nhũng…) là đủ”.
Giảm hình phạt tử hình, giảm khả năng áp dụng hình phạt tù, đồng thời mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt không mang tính giam giữ như: Phạt tiền, cải tạo không giam giữ, bổ sung thêm một số trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, hoàn thiện các chế định về miễn trách nhiệm hình sự; miễn, giảm hình phạt; xoá án tích nhằm tạo điều kiện cho người bị kết án, nhất là người phạm tội bị kết án phạt tù có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng là chủ trương nhằm hoàn thiện chính sách hình sự theo hướng đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013.
Bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân
Thực tiễn cho thấy, hiện nay không ít tổ chức kinh tế (pháp nhân), vì chạy theo lợi ích cục bộ mà thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật mang tính chất tội phạm. Trong khi đó, chính sách hình sự của ta hiện nay mới chỉ xử lý đối với cá nhân phạm tội, còn tổ chức (pháp nhân) thì không hề bị xử lý hình sự mà chỉ bị áp dụng các chế tài xử phạt khác (hành chính, kinh tế, dân sự). Việc xử lý như vậy là chưa thỏa đáng, chưa truy xét đến cùng trách nhiệm đối với hành vi phạm tội. Pháp luật hình sự của nhiều nước trên thế giới cũng đã quy định vấn đề này, đặc biệt đối với pháp nhân kinh tế.
Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay việc xử lý đối với tổ chức rất khó khăn vì chưa có chế tài, điều đó dẫn đến “bỏ lọt” tội phạm. Tuy nhiên, TS Lê Cảm thì rất băn khoăn “đưa pháp nhân vào là rất phức tạp”; còn TS. Nguyễn Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công an) thì cho rằng “hiện đã có nhiều biện pháp xử lý đối với pháp nhân rồi”.
Giảm phạt tù, tăng phạt tiền
Định hướng sửa đổi BLHS, Bộ Tư pháp, cơ quan chủ trì soạn thảo chỉ rõ “tăng cường tính nhân đạo, bảo vệ con người, bảo vệ chế độ, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới”. Một trong những nội dung tiếp tục thể hiện tính nhân đạo đó chính là việc giảm hình phạt tù và thay bằng các hình phạt khác.
Xuất phát từ thực tế, trong nhiều vụ án tham nhũng, các bị cáo đã chiếm đoạt một số lượng tài sản của Nhà nước, khi xét xử, căn cứ các quy định của pháp luật hình sự, Tòa án đã áp dụng mức hình phạt rất cao đối với những bị cáo này; tuy nhiên, Nhà nước lại không thể thu hồi hoặc thu hồi không đáng kể những tài sản mà bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước. Ông Trần Văn Đạt – Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) – nhận định: Vì lý do này, ông Đạt đề nghị “cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của BLHS theo hướng, giảm nhẹ hình phạt cho những người thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại và mở rộng phạm vi các trường hợp có thể áp dụng hình phạt tiền. Thậm chí, có thể quy định việc người phạm tội có thể nộp tiền thay vì buộc họ phải chấp hành hình phạt tù, không nhất thiết phải cách ly họ khỏi xã hội”. Theo đó, xu hướng sửa đổi bổ sung vấn đề hình phạt bổ sung đối với các loại tội phạm về tham nhũng là bức xúc.
Ủng hộ cao “tính hướng thiện” trong định hướng xây dựng BLHS, PGS.TS Trần Văn Độ- Phó Chánh án TANDTC, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương – trong một cuộc hội thảo về BLHS đã đặt câu hỏi “vì sao những nước có hình phạt nhẹ nhất lại là nước có tội phạm ít nhất?”. Dẫn các quy định của Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2-6-2005, của Bộ Chính trị về “Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020”, ông Độ khẳng định “cần giảm hình phạt tù, tăng cường các hình phạt không phải tù, đặc biệt là hình phạt tiền mang tính kinh tế, chủ yếu không phải để trừng trị mà giáo dục người phạm tội trở thành người có ích”.
Thu hẹp phạm vi xử lý hình sự với tội kinh tế
Với BLHS (sửa đổi năm 2009) thì chính sách xử lý đối với nhóm tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế đã có sự chuyển biến khá căn bản tuy nhiên điều kiện xã hội thay đổi, nhất là sự phát triển của kinh tế xã hội đã khiến nhiều tội danh quy định trong chương này không còn phù hợp. Thể chế hóa về mặt hình sự chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ của BLHS sửa đổi lần này. TS. Trần Mạnh Đạt (Bộ Tư pháp) cho rằng: Đối với một số dạng vi phạm cụ thể về xâm phạm trật tự quản lý kinh tế thì cần loại bỏ, không cần xử lý bằng biện pháp hình sự mà cần thay thế bằng các biện pháp pháp lý khác vừa phù hợp, vừa hiệu quả hơn (phi tội phạm hoá). Cụ thể, theo ông Đạt cần thu hẹp phạm vi xử lý hình sự trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (một số tội danh cần được thu hẹp như kinh doanh trái phép, buôn lậu, đầu cơ..)
Với lập luận “việc xử lý nghiêm, không có nghĩa là phải qui định phạt nặng” ông Đạt đề xuất: “Đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế cần mở rộng phạm vi qui định hình phạt tiền hơn nữa. Đặc biệt, cần nghiên cứu để có thể qui định hình phạt tiền với tư cách là hình phạt chính duy nhất đối với một số tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế ít nghiêm trọng. Trước mắt đối với các tội như Tội kinh doanh trái phép, Tội trốn thuế, Tội cho vay lãi nặng…
Đề xuất bổ sung các tội danh mới
Cùng với việc phi hình sự hóa thì cần thực hiện việc hình sự hóa theo hướng “Quy định là tội phạm đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế” mà Nghị quyết số 49/NQ-TW đã chỉ ra như: Hành vi bóc lột sức lao động trẻ em; hành vi thành lập hoặc tham gia vào tổ chức tội phạm; Hối lộ tình dục, hành vi chiếm đoạt, mua bán trái phép mô tạng, các bộ phận cơ thể người, thai nhi; hành vi không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; hành vi tham ô, lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội của người lao động hoặc giả mạo hồ sơ để hưởng bảo hiểm xã hội;…).
Một đề xuất đưa ra là: Sửa đổi BLHS theo hướng tội phạm và hình phạt không chỉ được quy định trong BLHS mà còn có thể được quy định trong các luật chuyên ngành, nhằm tạo sự linh hoạt trong việc cập nhật các hành vi phạm tội mới, cũng như có điều kiện để quy định cụ thể, chi tiết hơn các hành vi phạm tội trong từng lĩnh vực đặc thù. Quy định này làm cơ sở để cho phép sau này khi ban hành các luật chuyên ngành, nếu thấy cần thiết thì Quốc hội sẽ bổ sung tội phạm mới trong từng lĩnh vực ngay trong đạo luật chuyên ngành đó mà không phải sửa đổi, bổ sung BLHS.
Ngoài ra, hoàn thiện kỹ thuật lập pháp hình sự theo hướng nâng cao tính minh bạch, khả thi và tính dự báo trong các quy định của Bộ luật Hình sự; bảo đảm tính thống nhất về mặt kỹ thuật giữa Phần chung và Phần các tội phạm cụ thể của Bộ luật Hình sự và giữa Bộ luật Hình sự với các luật khác nhằm tạo ra một diện mạo mới về kỹ thuật lập pháp của BLHS trên cơ sở khắc phục những bất cập, kế thừa những điểm tiến bộ về kỹ thuật của BLHS năm 1999, làm cho BLHS mới có tính logic, nhất quán, minh bạch và mang tính dự báo cao để người dân, tổ chức, doanh nghiệp thấy được sự bảo hộ của BLHS đối với hành vi hợp pháp, chính đáng của mình, đồng thời nhận diện được rõ ràng hành vi phạm tội để phòng ngừa, ngăn chặn.
Theo hướng này, nhiều chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu bổ sung các điều luật có tính chất giải thích thuật ngữ, để đảm bảo áp dụng thống nhất; giảm tối đa các tình tiết định tính trong BLHS; nghiên cứu tách một số điều luật của BLHS quy định nhiều hành vi có mức độ nguy hiểm khác nhau, thành các tội danh độc lập, đảm bảo việc xử lý tội phạm công bằng, đúng với bản chất của hành vi phạm tội, nghiên cứu thu hẹp khoảng cách giữa mức tối thiểu và mức tối đa trong khung hình phạt của một số tội phạm để tạo điều kiện cho phép áp dụng trên thực tế.
Theo : Báo phaply.net.vn